Thị trường thế giới đối mặt tình trạng dư cung
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn so với dự báo trước đây trong năm nay khi Ả Rập Xê Út và các thành viên khác trong nhóm OPEC+ dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng.
IEA dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ tăng thêm 1,6 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay, cao hơn 380.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, theo báo cáo hàng tháng của cơ quan này, vốn có vai trò tư vấn cho các quốc gia công nghiệp hóa.
Giá dầu thế giới có thể ảnh hưởng bởi nguồn cung trong năm 2025. Ảnh minh họa
OPEC+ đang đưa thêm dầu thô ra thị trường sau khi nhóm quyết định dỡ bỏ lớp cắt giảm sản lượng mới nhất trong tháng 5 và tháng 6 nhanh hơn kế hoạch ban đầu. Nguồn cung bổ sung này, cùng với lo ngại về hàng rào thuế quan, đã góp phần khiến giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm hồi đầu tháng này.
Dù IEA đã tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay thêm 20.000 thùng/ngày, lên mức 740.000 thùng/ngày, nhưng cơ quan này cho biết tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong phần còn lại của năm, xuống còn 650.000 thùng/ngày, so với mức 990.000 thùng/ngày trong quý đầu tiên.
"Những dấu hiệu về sự chậm lại trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có thể đang bắt đầu xuất hiện”, IEA nhận định, đồng thời cho biết thêm rằng các yếu tố kinh tế bất lợi cùng với doanh số xe điện (EV) kỷ lục đang làm suy yếu nhu cầu.
IEA cho biết, tính theo mức sản lượng hiện tại, Ả Rập Xê Út là quốc gia duy nhất có khả năng đưa thêm dầu ra thị trường, sau khi OPEC+ đồng ý tăng sản lượng nhanh thêm một tháng nữa vào tháng 6 trong cuộc họp gần nhất.
Tổng nhu cầu dầu năm nay sẽ đạt trung bình 103,90 triệu thùng/ngày, theo IEA, tăng so với mức 103,54 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng trước. Mức điều chỉnh tăng này đến từ việc cập nhật số liệu nhu cầu lịch sử tại một số quốc gia như Ai Cập và Nigeria, cùng với mức tăng 20.000 thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu.
Dù có những điều chỉnh này, dự báo của IEA về lượng dư thừa trên thị trường toàn cầu cũng không thay đổi nhiều, lên khoảng 730.000 thùng/ngày theo tính toán của Reuters dựa trên báo cáo, nhỉnh hơn mức 710.000 thùng/ngày của tháng trước.
Sang năm tới, IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng trung bình 760.000 thùng/ngày, trong khi nguồn cung sẽ tăng 970.000 thùng/ngày, tiếp tục cho thấy thị trường dư cung.
Giá thấp ảnh hưởng đến dầu đá phiến và các bên khác
Trong báo cáo, IEA cũng hạ dự báo tăng trưởng dầu đá phiến của Mỹ xuống 40.000 thùng/ngày trong năm 2025 và giảm 190.000 thùng/ngày trong năm 2026 do giá dầu giảm.
"Ảnh hưởng rõ ràng nhất của đợt giảm giá dầu gần đây được dự báo sẽ rơi vào sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Chúng tôi dự đoán sẽ có thêm các đợt cắt giảm hoạt động khai thác trong các quý tới", cơ quan này nói thêm. Đồng thời lưu ý rằng các công ty khai thác dầu đá phiến độc lập lớn đã công bố kế hoạch cắt giảm 14 giàn khoan trong năm nay.
Vừa qua, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nguồn cung dầu từ Mỹ và các nhà sản xuất ngoài nhóm OPEC+ mở rộng trong năm 2025.
IEA cũng cho biết giá dầu giảm đang ảnh hưởng tới Nga, khi doanh thu dầu hàng tháng của nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, còn 13,2 tỷ USD trong tháng 4.
Mức doanh thu giảm của Nga xảy ra dù sản lượng tăng thêm 170.000 thùng/ngày trong tháng, lên 9,3 triệu thùng/ngày, và xuất khẩu tăng thêm 150.000 thùng/ngày, lên 7,6 triệu thùng/ngày, theo số liệu của IEA.
Trong khi đó, mức tồn kho dầu ở các quốc gia phát triển tiếp tục ở dưới mức trung bình 5 năm, theo dữ liệu từ IEA. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng nếu đà tăng sản lượng tiếp diễn trong khi nhu cầu không bắt kịp, thị trường có thể chứng kiến tình trạng dư cung kéo dài sang cả năm 2026.
Các yếu tố địa chính trị cũng đang ảnh hưởng đến xu hướng giá dầu. Việc các nhà đầu tư thận trọng trước triển vọng chính sách thương mại đã góp phần khiến thị trường dầu mỏ biến động mạnh trong những tuần qua.
Tình hình thị trường hiện nay đang đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong ngành năng lượng. Trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh chuyển đổi sang năng lượng sạch và xe điện tiếp tục chiếm thị phần lớn hơn, tương lai của dầu mỏ được dự báo sẽ ngày càng phụ thuộc vào khả năng thích ứng nhanh chóng với thay đổi trong cả cung lẫn cầu.
Trần Đình