IEA: Lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể làm gián đoạn đáng kể nguồn cung cấp dầu từ Nga

IEA: Lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể làm gián đoạn đáng kể nguồn cung cấp dầu từ Nga
3 giờ trướcBài gốc
Mặc dù vậy, triển vọng từ IEA cho thấy thị trường sẽ thặng dư trong năm nay vì tăng trưởng nguồn cung do các quốc gia ngoài OPEC+ dẫn đầu sẽ vượt quá mức tăng trưởng nhu cầu.
IEA cho biết, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran và Nga bao gồm các thực thể xử lý hơn 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga và Iran vào năm 2024.
"Chúng tôi duy trì dự báo nguồn cung của mình cho cả hai quốc gia cho đến khi tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt trở nên rõ ràng hơn, nhưng các biện pháp mới có thể dẫn đến việc thắt chặt cán cân dầu thô", IEA cho biết.
Các thông báo về lệnh trừng phạt và triển vọng hạn chế nguồn cung đã giúp giá dầu có khởi đầu mạnh mẽ vào năm 2025. Giá dầu Brent đã tăng 10% kể từ đầu năm, nhờ nhu cầu tăng cao do thời tiết lạnh, lượng hàng tồn kho của Mỹ giảm và nhiều rủi ro đối với các lô hàng.
Ngoài các biện pháp hạn chế đối với Nga, thị trường còn lo ngại rằng chính quyền Trump có thể thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran và đặt ra các khoản thuế thương mại làm gián đoạn dòng chảy dầu hoặc có nguy cơ phải chịu các biện pháp trả đũa.
Anindya Banerjee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại Kotak Securities cho biết: "Các lệnh trừng phạt đối với Nga kết hợp với nhu cầu tương đối ổn định từ Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đã gây ra sự định giá lại đáng kể đối với dầu thô".
Cách tiếp cận của IEA về tác động đến nguồn cung của Nga thận trọng hơn nhiều so với cách tiếp cận được đưa ra vào tháng 3/2022 ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Nga.
Vào thời điểm này, IEA dự đoán 3 triệu thùng/ngày nguồn cung của Nga có thể không được đưa ra thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây và sự miễn cưỡng của người mua.
Cũng trong báo cáo, IEA đã có những điều chỉnh nhỏ đối với dự báo nhu cầu dầu mỏ, với dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 là 1,05 triệu thùng/ngày, giảm so với dự báo trước đó là 1,1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, sau nhiều năm thúc đẩy mức tiêu thụ tăng, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế cũng như sự chuyển dịch sang xe điện, những yếu tố đang làm giảm triển vọng nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ lớn thứ hai thế giới.
Mặt khác, OPEC trong báo cáo dầu mỏ mới nhất cũng đã dự báo mức tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn IEA là 1,45 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,43 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Theo IEA, gói trừng phạt mới nhất của Mỹ đã liệt kê hơn 160 tàu chở dầu, vận chuyển khoảng 22% lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga vào năm 2024. Các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn cũng như thời tiết lạnh giá ở bán cầu bắc, đã đẩy giá dầu thô lên trên 80 USD/thùng vào đầu tháng 1.
Tuy nhiên, mức tăng giá trên có thể được kiềm chế bởi sự tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ bên ngoài OPEC+ và bởi liên minh cũng đang tìm cách tháo dỡ các đợt cắt giảm sản lượng.
IEA hiện kỳ vọng mức tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ đạt 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025, trong đó sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC+ chiếm phần lớn ở mức 1,5 triệu thùng/ngày.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/iea-lenh-trung-phat-moi-cua-my-co-the-lam-gian-doan-dang-ke-nguon-cung-cap-dau-tu-nga-post361893.html