IMF cảnh báo các thách thức đối với các nền kinh tế vùng Vịnh

IMF cảnh báo các thách thức đối với các nền kinh tế vùng Vịnh
12 giờ trướcBài gốc
Hội nghị lãnh đạo các nước GCC. (Nguồn: TTXVN)
Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng đà tăng trưởng khả quan trong các lĩnh vực phi dầu mỏ sẽ giúp các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bù đắp tác động tiêu cực từ các mức cắt giảm sản lượng kéo dài của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo nhiều thách thức khác nhau có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của GCC.
Báo cáo mới nhất của IMF dự báo nền kinh tế GCC sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2025 trước khi ghi nhận mức tăng 4,1% vào năm 2028.
IMF khẳng định tiến trình đa dạng hóa kinh tế được các quốc gia GCC, trong đó có Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), triển khai nhằm củng cố các lĩnh vực phi dầu mỏ và giảm sự phụ thuộc kéo dài một thập kỷ của họ vào doanh thu từ dầu thô.
Ông Jihad Azour, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF, nhận xét: "Tại GCC, hoạt động phi dầu mỏ mạnh mẽ liên quan đến các nỗ lực đa dạng hóa kinh tế đã giúp bù đắp tác động tiêu cực từ các mức cắt giảm sản lượng kéo dài của OPEC+."
Để duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,85 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nguồn cung toàn cầu, kể từ năm 2022.
Vào tháng 3/2025, OPEC+ đã quyết định tăng dần sản lượng dầu thô vào tháng 4/2025, với mức tăng 138.000 thùng/ngày.
Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở tỉnh Wasit, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN)
IMF dự báo nền kinh tế của khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2025 và 3,4% năm 2026. Trong dự báo trước đó được đưa ra vào tháng 10/2024, IMF dự đoán nền kinh tế MENA sẽ tăng trưởng 4% năm 2025 trước khi đạt mức tăng 4,2% vào năm 2026.
Ông Azour lưu ý: "Chúng tôi từng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của MENA sẽ tăng lên vào năm 2025 và 2026 trong trường hợp sản lượng dầu của OPEC+ phục hồi, các tác động liên quan đến các cuộc xung đột khu vực dịu đi và quá trình cải cách cơ cấu đạt được tiến bộ. Tuy nhiên, các dự báo mới nhất đã được điều chỉnh thấp hơn so với tháng 10/2024, do tăng trưởng toàn cầu yếu hơn, giá dầu sụt giảm, yếu tố ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu dầu, xung đột vẫn kéo dài và việc khôi phục sản lượng dầu diễn ra chậm hơn so với dự kiến của IMF sau khi OPEC+ gia hạn các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện."
IMF dự báo nền kinh tế Saudi Arabia sẽ tăng 3% vào năm 2025 và 3,7% năm 2026. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Saudi Arabia cao hơn so với các quốc gia láng giềng Arab, bao gồm Qatar, Kuwait, Oman và Bahrain.
Theo IMF, Bahrain dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,8% vào năm 2025, tiếp theo là Qatar với 2,4%, Oman 2,3% và Kuwait 1,9%.
IMF cho biết nền kinh tế UAE dự kiến sẽ tăng 4% vào năm 2025 và 5% vào năm 2026, đưa quốc gia vùng Vịnh này trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong GCC.
IMF cho rằng lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế GCC đang có xu hướng giảm và sẽ duy trì trong mức mục tiêu đã thiết lập trong trung hạn. Báo cáo phân tích của IMF cũng chỉ ra nhiều thách thức khác nhau có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế GCC, bao gồm căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị và các cú sốc khí hậu.
Ông Azour nhấn mạnh: "Phân tích của chúng tôi cho thấy sự không chắc chắn tiếp tục gia tăng do các cú sốc toàn cầu."
Ông Azour nói thêm, căng thẳng địa chính trị có thể làm gián đoạn các hoạt động thương mại, du lịch và chuỗi cung ứng, đồng thời làm gia tăng dòng người tị nạn.
Theo quan chức IMF, khu vực MENA vẫn dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm hạn hán và lũ lụt, những nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Ông Azour đánh giá: "Việc cắt giảm viện trợ phát triển chính thức có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và nhân đạo, đặc biệt là đối với các nước thu nhập thấp và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột trong khu vực MENA. Việc giải quyết nhanh chóng các cuộc xung đột và đẩy nhanh việc thực hiện cải cách cơ cấu có thể cải thiện đáng kể triển vọng tăng trưởng của khu vực."
Ông Azour kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng các bước có thể giúp bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi các tình huống xấu nhất và ưu tiên bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô.
Các quốc gia trong khu vực cũng nên duy trì mức dự trữ quốc tế thích hợp để nâng cao khả năng hấp thụ các cú sốc kinh tế.
Ông Azour hối thúc các quốc gia trong khu vực tiếp tục cải cách kinh tế, cho rằng những thách thức hiện nay không phải là lý do để trì hoãn các chương trình chuyển đổi./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/imf-canh-bao-cac-thach-thuc-doi-voi-cac-nen-kinh-te-vung-vinh-post1036244.vnp