Phát biểu trước báo giới cuối tuần qua, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Indonesia (GPEI) Benny Soetrisno cho biết, kết quả đàm phán mức thuế quan 19% với Mỹ dường như là thỏa thuận tốt nhất có thể. Mặc dù thỏa thuận vẫn chưa có hiệu lực, nhưng các nhà xuất khẩu Indonesia đang đàm phán với đối tác Mỹ để chia sẻ gánh nặng thuế quan với người tiêu dùng. Tuy nhiên sự thành công sẽ phụ thuộc vào mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng cho các quốc gia khác, vì các nhà nhập khẩu Mỹ không dựa vào một nhà cung cấp để duy trì an ninh nguồn cung.
Tổng thống Prabowo Subianto có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức thuế quan. Ảnh: Instagram
Uớc tính thỏa thuận chia sẻ sẽ phụ thuộc vào mức tăng giá mà người tiêu dùng Mỹ có thể chấp nhận. Khi con số này rõ ràng, các nhà xuất khẩu Indonesia và đối tác Mỹ có thể quyết định cách chia sẻ gánh nặng thuế quan để duy trì khả năng cạnh tranh về giá. Giải pháp chia sẻ gánh nặng tương tự đã được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump. Mục đích của thỏa thuận là tạo ra sự cân bằng giữa việc chuyển càng nhiều gánh nặng thuế quan cho người tiêu dùng càng tốt, trong khi vẫn duy trì mức giá cạnh tranh. Nếu không, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển sang các nhà cung cấp từ các quốc gia khác.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà tuyển dụng Indonesia (Apindo) Shinta Kamdani cảnh báo, các đối thủ cạnh tranh của Indonesia vẫn đang trong quá trình đàm phán với Mỹ. Do đó cần phải theo dõi chặt chẽ các yếu tố có thể định hình lại bối cảnh cạnh tranh của khu vực trong tương lai gần.
Đồng thời chính phủ phải cải cách toàn diện, từ môi trường thuận lợi cho kinh doanh, tới đảm bảo hậu cần và hiệu quả năng lượng, cũng như các quy định về chất lượng và cơ sở hạ tầng, nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là các ngành thâm dụng lao động.
Tuấn Dũng/VOV-Jakarta