Khung cảnh bên trong một nhà máy Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Apple Explained/ Youtube
Hồi tháng 10/2024, Indonesia đã cấm bán iPhone 16 sau khi Apple không đáp ứng yêu cầu rằng ít nhất 35% linh kiện trong smartphone phải có nguồn gốc từ sản xuất trong nước. Quy định này được đưa ra nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử nội địa và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Trên thực tế, yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa không phải là chính sách mới ở Indonesia. Chính phủ nước này từ lâu đã áp dụng các biện pháp tương tự đối với nhiều thương hiệu điện thoại lớn như Samsung và Oppo, buộc họ phải sản xuất hoặc lắp ráp một phần linh kiện tại địa phương. Tuy nhiên, Apple đến nay vẫn chủ yếu nhập khẩu iPhone bản hoàn thiện vào Indonesia, thay vì đầu tư sản xuất nội địa.
Nhằm tháo gỡ bế tắc và lấy lại thị phần tại Indonesia, Apple đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại và các sản phẩm khác tại quốc gia Đông Nam Á này. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Apple nhằm duy trì vị thế tại các thị trường đang phát triển, nơi tiềm năng tăng trưởng vẫn còn rất lớn.
Ngoài khoản đầu tư này, Apple cũng sẽ triển khai chương trình đào tạo nhân sự địa phương về nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều đáng chú ý là chương trình này sẽ không chỉ giới hạn trong hệ thống học viện Apple hiện có, mà còn mở rộng thêm các sáng kiến mới nhằm đào tạo kỹ sư và chuyên gia công nghệ tại Indonesia.
Tuy nhiên, báo cáo của Bloomberg nhấn mạnh rằng Apple chưa có kế hoạch sản xuất iPhone tại Indonesia trong tương lai gần. Điều này có nghĩa là, dù Apple đồng ý đầu tư vào sản xuất linh kiện, các mẫu iPhone 16 vẫn sẽ được nhập khẩu từ các nhà máy tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Việt Nam.
Thỏa thuận giữa Apple và Indonesia không chỉ giúp iPhone 16 quay lại thị trường mà còn cho thấy Apple sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để đáp ứng các yêu cầu từ các chính phủ quốc gia.
Hoàng Nam