BYD hiện là thương hiệu xe điện bán chạy nhất tại thị trường Indonesia. Nguồn: Jakartaglobe.
Kết quả này cho thấy mức tăng trưởng 153% của doanh số ô tô Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước (YoY), ngay cả khi doanh số chung của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 205.160 chiếc, giảm gần 5% YoY.
Hiện các thương hiệu ô tô Trung Quốc chiếm 10% thị phần ô tô Indonesia, tăng mạnh từ mức 3,83% vào năm 2024. Theo đó, "chìa khóa thành công" của ô tô Trung Quốc là xe điện (EV) – một phân khúc vẫn chưa được các nhà sản xuất Nhật Bản phát triển.
Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đã có màn ra mắt ấn tượng tại Indonesia vào tháng 7/2024 và nhanh chóng trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất, với doanh số 5.718 xe trong quý 1/2025.
Trong khi đó, Chery - một thương hiệu Trung Quốc khác cũng báo cáo mức tăng 187% YoY với doanh số 4.399 chiếc, chủ yếu là xe điện. Thương hiệu Wuling, mặc dù gia nhập thị trường Indonesia từ sớm và được sản xuất tại thị trường nội địa, song doanh số chỉ đạt 4.795 chiếc, giảm 12,1% YoY.
Ngoài ra, người tiêu dùng Indonesia hiện còn tiếp cận nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc bao gồm: Aion, MG, Geely, Jetour, BAIC và Haval.
Nhà phân tích chuyên ngành công nghiệp Yannes Martinus Pasaribu cho biết: "Các thương hiệu Trung Quốc không mở rộng thị trường, mà họ đang chiếm dần thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Indonesia".
Các thương hiệu Nhật Bản đang mất dần thị phần
Cũng theo dữ liệu của Gaikindo, phần lớn các thương hiệu ô tô lớn của Nhật Bản đều có doanh số giảm. Hãng Daihatsu giảm 23,9% YoY xuống 34.999 chiếc, Honda giảm 20,4% YoY còn 22.336 chiếc, Suzuki giảm 20,4% YoY xuống 14.174 chiếc, Mitsubishi giảm 15,6% YoY xuống còn 21.692 chiếc, Isuzu giảm 13,7% YoY xuống còn 5.911 chiếc.
Chỉ duy nhất Toyota tăng 5% YoY lên 68.955 xe, duy trì vị trí dẫn đầu với 33,6% thị phần. Nhìn chung, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện nắm giữ 85,6% thị phần, giảm so với mức 91,7% trong quý 1/2024.
Tình hình phát triển xe điện tại Indonesia
Xe điện hiện chiếm 4,9% tổng doanh số ô tô tại Indonesia, tăng từ 1,7% vào năm 2023, chủ yếu nhờ các mẫu xe Trung Quốc có giá cả cạnh tranh với thiết kế mang tính hiện đại và trang bị nhiều tính năng công nghệ cao.
“Ô tô Trung Quốc đang có giá rẻ hơn 15–20% so với các đối thủ Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu. Tuy nhiên, các thương hiệu Trung Quốc không còn giới hạn ở phân khúc giá rẻ nữa,” ông Yannes Martinus Pasaribu cho biết.
Vị chuyên gia này cũng thông tin, Trung Quốc hiện thống trị thị trường xe điện Indonesia với 90% thị phần, tiếp theo là Hàn Quốc với chỉ 6%.
Mặc dù thị trường xe điện đang tăng trưởng mạnh mẽ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn tiếp tục thúc đẩy công nghệ hybrid như một lựa chọn thiết thực hơn cho người tiêu dùng Indonesia.
Astra International, nhà phân phối chính thức của Toyota, Daihatsu và Isuzu, đang hoãn việc mở rộng dòng sản phẩm xe điện của mình.
“Hybrid là giải pháp phù hợp nhất cho nhu cầu di chuyển của người dân Indonesia. Chúng tôi có kế hoạch sớm giới thiệu các biến thể hybrid cho phân khúc thị trường đại chúng của mình,” ông Henry Tanoto, Giám đốc Astra nói.
Vị này cũng cho biết, người mua xe điện vẫn còn lo ngại và khả năng tiếp cận trạm sạc và giá trị bán lại. Do vậy, họ vẫn coi xe điện là phương tiện thứ cấp. Ngược lại, xe hybrid được sử dụng rộng rãi hơn ở nhiều vùng địa lý, bao gồm cả các thành phố vệ tinh, không chỉ riêng các trung tâm đô thị.
Trong quý 1/2025, Astra đã bán được tổng cộng 110.812 xe ở các thương hiệu đang phân phối, chiếm 54% thị phần.
10 mẫu xe điện bán chạy nhất tại thị trường Indonesia trong quý 1/2025:
1. BYD Denza D9: 1.587 chiếc
2. BYD M6: 1.293 chiếc
3. BYD Sealion 7: 1.182 chiếc
4. Chery iCar 03 (J6): 987 chiếc
5. Aion Hyptec: 886 chiếc
6. Wuling Air Ev: 471 chiếc
7. Wuling BinguoEV: 468 chiếc
8. BYD Atto 3: 388 chiếc
9. Wuling Cloud EV: 266 chiếc
10. BYD Seal: 234 chiếc
Thạch Thu, Thu Thảo
Theo Jakartaglobe ngày 11/5