Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta, ông Zulkifli Hasan đảm bảo rằng, lượng dự trữ lương thực là đủ, bao gồm cả cho kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới sắp tới với giá lương thực an toàn và được kiểm soát. Lượng dự trữ gạo với Bulog (Cơ quan hậu cần Indonesia) bán lẻ và các nhà bán lẻ, đều an toàn và đủ, bao gồm cả cho kỳ nghỉ lễ.
Theo ông Hasan, Indonesia quyết định không nhập khẩu đường để tiêu dùng vào năm tới vì lượng dự trữ đủ ở mức khoảng 1,4 triệu tấn, với sản lượng dự kiến đạt 2,6 triệu tấn. Chính phủ đang đặt mục tiêu sản xuất đường trong nước là 2,6 triệu tấn. Sản lượng đường tiêu dùng cũng sẽ được thúc đẩy thông qua việc phát triển giống mới, quản lý đồn điền và hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ngoài ra, theo Bộ trưởng Hasan, Indonesia sẽ không còn nhập khẩu muối tiêu dùng, đường, gạo hoặc ngô làm thức ăn chăn nuôi vào năm 2025.
Indonesia hướng tới mục tiêu không nhập khẩu gạo vào năm 2025
Đối với muối tiêu dùng, chính phủ đang đặt mục tiêu sản xuất 2,25 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước là 1,76 triệu tấn vào năm tới. Đối với sản xuất ngô làm thức ăn chăn nuôi, mục tiêu là 16,68 triệu tấn so với nhu cầu trong nước khoảng 13 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng gạo vào năm 2025 dự kiến sẽ đạt 32 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước được định mức là 31 triệu tấn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Andi Amran Sulaiman trước đó đặt ra mục tiêu đầy tham vọng cho sản lượng gạo của Indonesia, hướng tới đạt 32 triệu tấn vào năm 2025 và bày tỏ tin tưởng rằng đất nước sẽ không còn phải nhập khẩu gạo nữa bắt đầu từ năm sau. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), sản lượng gạo của Indonesia trong năm 2024 ước tính vào khoảng 30,34 triệu tấn, giảm 2,43 % so với năm 2023. Trong khi đó, công ty hậu cần nhà nước Perum Bulog báo cáo rằng Indonesia đã nhập khẩu 2,9 triệu tấn gạo trong suốt năm 2024.
Bộ Nông nghiệp Indonesia đang triển khai nhiều chiến lược khác nhau, bao gồm các chương trình điền trang lương thực và các phương pháp canh tác hiện đại, để đạt được mục tiêu này.
Phạm Hà/VOV-Jakarta