Indonesia nói về 'nỗ lực phi thường' để đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ

Indonesia nói về 'nỗ lực phi thường' để đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ
13 giờ trướcBài gốc
Cảng container hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó chỉ một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Indonesia, một tuần sau khi cảnh báo áp mức thuế đối ứng cao hơn đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo thỏa thuận mới, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế quan 19% với hàng hóa từ Indonesia, trong khi hàng xuất khẩu của Mỹ được cho là sẽ không phải chịu bất kỳ rào cản thuế quan hay phi thuế quan nào.
Thỏa thuận này là một trong số ít thỏa thuận mà chính quyền Tổng thống Trump đạt được trước hạn chót đàm phán ngày 1/8.
Trong bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết đã hoàn tất thỏa thuận sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto. "Một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người vừa được thực hiện với Indonesia", ông Trump nhấn mạnh.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã gửi thư thông báo tới nhà lãnh đạo Indonesia, trong đó nói rõ sẽ áp thuế 32% đối với hàng hóa của nước này kể từ ngày 1/8.
"Đây là một nỗ lực phi thường của đội ngũ đàm phán do Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế dẫn đầu", ông Hasan Nasbi, người phát ngôn của Tổng thống Indonesia, nói với các phóng viên hôm 16/7, đồng thời gọi thỏa thuận mới đạt được với Mỹ là "điểm gặp gỡ" giữa hai chính phủ.
Ông Nasbi cho biết, Tổng thống Indonesia Prabowo cũng đã đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Mỹ qua điện thoại, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Ông nói rằng Tổng thống Prabowo sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào cuối ngày 16/7 sau khi trở về từ chuyến công du nước ngoài.
Indonesia và Mỹ đã đồng ý đưa quan hệ thương mại vào một kỷ nguyên mới, ông Prabowo viết trên tài khoản Instagram của mình, sau cuộc gọi được ông mô tả là "rất tốt" với Tổng thống Trump.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ, Indonesia - quốc gia đông dân thứ tư thế giới và thành viên của nhóm G20 - có mức thặng dư thương mại Mỹ khoảng 17,9 tỷ USD trong năm 2024.
Tổng thống Trump cho biết, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - đã cam kết mua 50 máy bay Boeing, 15 tỷ USD năng lượng Mỹ và 4,5 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp Mỹ như một phần của thỏa thuận thương mại với Washington.
Đáng chú ý, Tổng thống Trump cũng cho biết “nếu có hoạt động trung chuyển nào từ một quốc gia có mức thuế quan cao hơn, thì mức thuế quan đó sẽ được cộng vào mức thuế quan mà Indonesia đang trả". Ông nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ "lần đầu tiên trong lịch sử" mở ra "toàn bộ" thị trường Indonesia với Mỹ.
Ngay sau khi có thông tin về thỏa thuận đạt được, chỉ số chứng khoán Indonesia đã tăng 0,7%. Một số nhà phân tích cho rằng điều này sẽ tạo ra động lực tích cực cho các hoạt động kinh tế.
"19% thì tốt hơn 32%", ông Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại City Index ở Brisbane, cho biết. "Các mặt hàng xuất khẩu phi dầu mỏ của Indonesia như giày dép và dệt may sẽ bị ảnh hưởng, nhưng năng lượng và nông nghiệp sẽ được hưởng lợi. Các quan chức tất nhiên hài lòng vì họ được ông Trump ưu ái", ông nói thêm.
Ông Myrdal Gunarto, nhà kinh tế của Maybank Indonesia, mô tả thỏa thuận là khá tốt. "(Thỏa thuận này) mở ra không gian cho lãi suất chính sách tiền tệ ở mức thấp hơn", ông nói và dự đoán điều này cũng sẽ kích thích dòng vốn đầu tư chảy vào.
Nhiều nhà phân tích nhận định Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ sớm cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-noi-ve-no-luc-phi-thuong-de-dat-duoc-thoa-thuan-thue-quan-voi-my-20250716152821561.htm