Một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của trận động đất gây sóng thần tấn công các quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương, bao gồm Indonesia, cách đây 20 năm diễn ra sáng nay (26/12) tại thành phố Banda Aceh của Indonesia.
Lễ tưởng niệm nạn nhân vụ động đất sóng thần.
Một buổi lễ chính thức tại Nhà thờ Hồi giáo Lớn Baiturrahman tại thành phố Banda Aceh đã khởi đầu một loạt lễ tưởng niệm trên khắp châu Á với tiếng còi dài ba phút vào đúng thời điểm trận động đất lớn gây ra sóng khổng lồ vào ngày 26/12/2004.
Trận động đất mạnh 9,1 độ ngoài khơi mũi phía tây của Sumatra đã tạo ra một loạt các đợt sóng thần lớn tràn vào bờ biển của hơn chục quốc gia từ Indonesia đến Somalia. Indonesia là quốc gia có số người thiệt mạng cao nhất với hơn 160.000 người dọc bờ biển phía tây nước này trong khi hàng nghìn người khác cũng thiệt mạng ở Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thống đốc Aceh Safrizal Zakaria Ali nhắc lại khoảnh khắc kinh hoàng của trận sóng thần: “Vào ngày đó, thế giới đã chứng kiến thảm họa có thể xảy ra như thế nào ngay lập tức thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Chúng tôi đã mất đi những người thân yêu của mình, Cha, mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, bạn bè. Hàng nghìn trẻ em mất cha mẹ, hàng nghìn cha mẹ mất đi con cái. Các ngôi làng biến mất, thành phố bị bị tàn phá, và cuộc sống dường như ngừng lại”.
Khi những ký ức về thiệt hại do sóng thần gây ra phai nhạt dần trong số những người đã trải qua nó và những thế hệ mới lớn lên, nhưng đối với nhiều người dân nơi đây nỗi đau vẫn còn đó, với những người mẹ vẫn mòn mỏi đợi chờ tin của đứa con mất tích 20 năm qua.
Bà Saudad Femi Malisa có con mất tích trong trận sóng thần 20 năm vẫn mòn mỏi chờ đợi: “Nếu con tôi vẫn còn sống, tôi hi vọng nó có thể gặp tôi trước khi tôi qua đời. Nếu nó đã qua đời thì là ý Chúa nhưng tôi tin con tôi vẫn còn sống”.
Kể từ thảm họa, Aceh đã nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế và đã phục hồi phần lớn. Cơ sở hạ tầng ở Aceh đã được xây dựng lại và hiện nay có khả năng phục hồi tốt hơn so với trước khi xảy ra sóng thần. Các hệ thống cảnh báo sớm đã được lắp đặt ở các khu vực ven biển để cảnh báo người dân về khả năng xảy ra sóng thần, cung cấp thời gian quan trọng để tìm kiếm sự an toàn. Những nỗ lực tái thiết đã trở nên khả thi nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, những người đã đóng góp nguồn quỹ đáng kể để giúp khu vực phục hồi. Các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy bởi thảm họa đã được tái thiết với sức mạnh và độ bền được tăng cường, đảm bảo sự chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức trong tương lai. Cùng sự phục hồi thần kỳ, thảm họa cũng đã mở ra cánh cửa cho hòa bình ở Aceh khi cuộc xung đột kéo dào 30 năm trong khu vực cũng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm vì thảm họa này cho hòa bình là con đường tốt nhất để xây dựng Aceh tốt hơn.
Ký ức về thảm họa đang dần phai, Aceh cũng như nhiều nơi khác đang phục hồi dần.Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo thảm kịch vẫn có thể lặp lại và thế giới cần phải chuẩn bị và ứng phó tốt hơn cho các thảm kịch có thể xảy ra.
Phạm Hà/VOV-Jakarta