Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 12 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó và 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Huyện Long Thành đang là địa phương dẫn đầu về số ổ dịch bệnh dại (7 ổ) và số ca tử vong do bệnh dại (2 ca). Tiếp đến là huyện Định Quán (3 ổ dịch), huyện Trảng Bom (1 ổ dịch), huyện Cẩm Mỹ (1 ổ dịch). Huyện Thống Nhất cũng đã ghi nhận 1 người tử vong do bệnh dại.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết từ năm 2014 đến tháng 11-2022, ở Đồng Nai không ghi nhận ca bệnh dại trên người và động vật. Nhưng từ tháng 12-2022 đến nay, tỉnh liên tục ghi nhận các ổ dịch bệnh dại tại nhiều địa phương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh dại diễn biến phức tạp tại Đồng Nai. Đó là người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc nuôi nhốt, tiêm vaccine phòng dại định kỳ cho đàn chó, mèo nuôi. Công tác quản lý tiêm chủng cho đàn vật nuôi của cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao.
Riêng đối với những ca tử vong do bệnh dại, nguyên nhân là do người dân chủ quan nghĩ rằng chó, mèo chỉ cắn, cào xước nhẹ, chó nhỏ, chó nhà nuôi nên không đi tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Đến khi phát bệnh dại thì 100% người bệnh sẽ tử vong vì bệnh chưa có thuốc chữa.
Để phòng, ngừa bệnh dại, những hộ gia đình nuôi chó, mèo cần quản lý tốt đàn vật nuôi; thực hiện tiêm vaccine phòng dại đầy đủ, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, khi thả chó, mèo ra đường phải rọ mõm, xích và có người dắt.
Khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu bất thường cần thông báo cho ngành chức năng để xử lý. Tuyệt đối không vứt chó, mèo chết ra môi trường, không sử dụng chó, mèo mắc bệnh.
Những người bị chó, mèo cắn nên đi tiêm vaccine phòng bệnh càng sớm càng tốt.
Số ổ dịch bệnh dại trên động vật và số người tử vong do bệnh dại tại Đồng Nai từ năm 2023 đến tháng 5-2025. Thông tin: Hạnh Dung - Đồ họa: Lê Duy
Hạnh Dung - Lê Duy