Bài viết "Iran chạm ngưỡng: Các đòn tấn công từ Mỹ và Israel có thể khiến Iran rút khỏi NPT và châm ngòi khủng hoảng hạt nhân" đăng tải trên trang Modern Diplomacy ngày 30/6. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)
Tinh thần cốt lõi của NPT
Trong 12 ngày liên tiếp, từ ngày 13/6, Israel đã tiến hành một chiến dịch không kích dồn dập nhằm vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran. Đến ngày 22/6, Mỹ chính thức tham chiến, tấn công ba địa điểm hạt nhân trọng yếu gồm Isfahan, Natanz và Fordow. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng chiến dịch này nhằm loại bỏ một “mối đe dọa sống còn”, nhưng trên thực tế, nó đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả những tổn thất trước mắt là hệ quả lâu dài: Nguy cơ Iran từ bỏ cam kết với Hiệp ước NPT, một bước đi có thể làm lung lay trật tự toàn cầu về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Viện dẫn điều 10 của NPT, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Iran Abbas Golroo khẳng định nước này có quyền rút khỏi hiệp ước nếu “xuất hiện những sự kiện bất thường đe dọa lợi ích tối cao quốc gia”. Theo quan điểm của Tehran, việc một nước không tham gia NPT (Israel) phối hợp cùng một quốc gia thành viên của hiệp ước (Mỹ) nhằm tấn công vào các cơ sở hạt nhân được giám sát quốc tế, đã vượt ngưỡng quy định.
Trước khi tuyên bố dừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 25/6, chương trình hạt nhân Iran từ lâu nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức này. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Jazeera ngày 19/6, Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi khẳng định hiện chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, Tehran vẫn phải đối mặt với các hành động quân sự, ban đầu từ phía Israel và sau này là cả Mỹ.
Tác giả Shidra Shaukat nhận định, cuộc tấn công này nhằm vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng hạt nhân và tên lửa của Iran, dựa trên giả định về khả năng vũ khí hóa trong tương lai, chứ không phải vì vi phạm hiệp ước NPT hiện tại. Khi chưa có bằng chứng về một mối đe dọa hạt nhân hiện hữu, sự kiện ngày 13/6 được xem là hành vi vi phạm chủ quyền Iran, đồng thời vi phạm cả tinh thần pháp lý cốt lõi của NPT.
Xung đột Israel-Iran làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông. (Nguồn: Getty)
Xói mòn chuẩn mực chung
Iran không phải là trường hợp đầu tiên có kế hoạch rút khỏi NPT. Năm 1993, Triều Tiên tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước, nhưng sau đó tạm hoãn quyết định này trong quá trình đàm phán vào phút chót với Mỹ. Đến năm 2003, Bình Nhưỡng nối lại tiến trình rút khỏi NPT và sau đó phát triển kho vũ khí hạt nhân. Tình thế hiện tại của Iran có nhiều điểm tương đồng với Triều Tiên, song tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cao hơn. Tehran có nền hạ tầng khoa học tiên tiến, dân số đông và mức độ gắn kết khu vực sâu rộng hơn so với Triều Tiên.
Không giống Bình Nhưỡng, Tehran vẫn chấp nhận sự giám sát của IAEA cho đến khi xảy ra sự kiện 13/6. Vì vậy, ý định của nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không chỉ gia tăng rủi ro phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn tạo hiệu ứng dây chuyền làm xói mòn thêm các chuẩn mực của NPT. Tác giả Shidra Shaukat cho rằng, nếu một quốc gia thành viên chịu sự giám sát đầy đủ của IAEA vẫn có thể bị một cường quốc hạt nhân tấn công mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào, thì còn lý do nào để các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân khác tiếp tục tuân thủ hiệp ước?
Nếu Iran rút khỏi NPT, hậu quả sẽ rất sâu rộng. Tehran sẽ không còn bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân. Họ có thể trục xuất các thanh sát viên IAEA, dừng toàn bộ các biện pháp bảo đảm và nâng mức làm giàu uranium lên cấp độ dùng cho vũ khí. Theo IAEA, Iran hiện sở hữu hơn 400 kg uranium được làm giàu ở mức 60% - chỉ còn cách ngưỡng 90% (ngưỡng cần thiết để chế tạo bom) một khoảng ngắn. Dù Israel đã ám sát nhiều nhà khoa học hạt nhân cấp cao của Iran, Tehran vẫn duy trì năng lực chuyên môn và cơ sở hạ tầng (các cơ sở hạt nhân được xây dựng sâu trong lòng đất) để tái khởi động và tăng tốc quá trình vũ khí hóa nếu muốn.
Trước diễn biến leo thang nghiêm trọng, Iran và Israel đã đạt thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 24/6, mở ra lối thoát quan trọng cho an ninh khu vực. Tehran chưa chính thức rút khỏi NPT và các quan chức nước này tiếp tục khẳng định mong muốn đạt được giải pháp hòa bình. Theo tác giả, để tránh khơi mào một cuộc khủng hoảng sâu rộng hơn, Mỹ và các đồng minh cần tận dụng khoảng lặng này để nối lại đàm phán, trước hết bằng cách chấm dứt hành động quân sự, đồng thời tham gia đối thoại thực chất với Iran.
Như vậy, cuộc tấn công của Israel và Mỹ vào các cơ sở hạt nhân Iran diễn ra trong bối cảnh Tehran vẫn đang là thành viên IAEA và chịu giám sát quốc tế. Động thái trên được xem là đi ngược lại tinh thần cốt lõi của NPT và đẩy nước Cộng hòa Hồi giáo đến ý định rút khỏi hiệp ước, qua đó tạo tiền lệ xấu cho việc phổ biến vũ khí hạt nhân tại các khu vực khác. Do đó, các bên cần dứt khoát chấm dứt hành động quân sự và nối lại đàm phán nhằm giảm thiểu căng thẳng Trung Đông.
(theo Modern Diplomacy)
Ngọc Trâm