Iran đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự nội địa, chuẩn bị cho xung đột kéo dài

Iran đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự nội địa, chuẩn bị cho xung đột kéo dài
9 giờ trướcBài gốc
Theo Army Recognition, tuyên bố được đưa ra sau khi quốc hội Iran phê chuẩn đề cương dự luật bảo đảm ngân sách quốc phòng giai đoạn 2025-2026 và cam kết của giới lãnh đạo quân sự về khả năng duy trì chiến tranh trong vòng 10 năm nhờ kho dự trữ thiết bị hiện đại.
Sáng kiến lập pháp này được đưa ra sau khi Iran thực hiện mức tăng 200% ngân sách quốc phòng vào tháng 10.2024, nâng tổng chi tiêu quân sự từ khoảng 7.220 nghìn tỉ rial (tương đương 15,7 tỉ USD) lên khoảng 46 tỉ USD cho năm tài khóa 2025.
Theo báo cáo từ Iran International IFP News, dự luật cũng quy định Bộ Dầu mỏ và các tổ chức kế hoạch, ngân sách phải tài trợ toàn bộ ngân sách quốc phòng, đồng thời giải quyết mọi thiếu hụt tài chính từ các năm trước đối với các chương trình quốc phòng đặc biệt.
Đại tướng Hossein Salami, Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel hồi tháng 6, từng kiểm tra trang thiết bị quân sự trong một cuộc diễn tập của lực lượng lục quân IRGC tại khu vực Aras, tỉnh Đông Azerbaijan, Iran, vào ngày 17.10.2022 - Ảnh: Reuters
Phát triển vũ khí công nghệ cao
Thiếu tướng Mohammad Reza Ashtiani, Phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, cho biết nước này không bị tổn thất nghiêm trọng về thiết bị trong cuộc xung đột với Israel tháng 6 vừa qua. Ông nhấn mạnh Iran đã đầu tư mạnh vào các hệ thống vũ khí tiên tiến, từ máy bay không người lái (UAV), tên lửa tầm xa, chiến tranh mạng cho đến nền tảng chỉ huy, kiểm soát số hóa.
Lực lượng vũ trang Iran không chỉ được trang bị vũ khí tiên tiến mà còn sở hữu kinh nghiệm tác chiến và huấn luyện dày dặn. Ông Ashtiani tuyên bố rằng lực lượng đối phương có thể sở hữu vũ khí hiện đại nhưng lại thiếu tinh thần chiến đấu và khả năng phục hồi tâm lý.
Bên cạnh đó, Dự luật ngân sách quốc phòng được thông qua, đồng thời yêu cầu giải ngân toàn bộ kinh phí từ năm 2024 còn tồn đọng, chi trả 100% các khoản chi đã được Hội đồng An ninh quốc gia Iran tối cao phê duyệt và cho phép sử dụng nguồn ngoại tệ bị phong tỏa ở nước ngoài để phục vụ các tình huống khẩn cấp, bao gồm mua sắm thiết bị quân sự từ nước ngoài.
Một trong những trọng tâm trong kế hoạch quốc phòng của Iran là tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa chiến thuật và UAV. Những năm gần đây, Iran sở hữu nhiều dòng UAV tác chiến đa nhiệm (như Mohajer-6, Mohajer-10 và Kaman-22), có khả năng mang theo tên lửa dẫn đường, thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công mục tiêu mặt đất.
UAV và tên lửa do Iran sản xuất đã xuất hiện tại nhiều điểm nóng như Lebanon, Yemen, Iraq, Syria và Gaza. Một số UAV, đặc biệt là Shahed-136 và Ababil, được Nga sử dụng tại Ukraine, cho thấy phạm vi mở rộng đáng kể của công nghiệp quốc phòng Iran.
Về tên lửa, Iran duy trì sản xuất nhiều dòng đạn đạo chiến thuật như Fath-360, với tầm bắn và độ chính xác được cải thiện qua từng phiên bản. Các dòng tên lửa hành trình mới cũng đang được phát triển, phục vụ cả phòng thủ bờ biển lẫn tấn công chiến lược.
Trong cuộc xung đột dài 12 ngày với Israel và Mỹ hồi tháng 6, Iran đã phối hợp UAV, tên lửa dẫn đường và tác chiến mạng để đáp trả trong các cuộc không kích.
Chiến tranh mạng và tác chiến điện tử cũng được đẩy mạnh. Theo Iran Electronics Industries (IEI), hàng nghìn hệ thống điều khiển, giám sát, liên lạc và gây nhiễu được Iran phát triển, triển khai. Khả năng tích hợp vệ tinh và UAV để đồng bộ hóa hệ thống chỉ huy, điều hành được xác định là yếu tố then chốt trong chiến lược phòng thủ dài hạn.
Tự chủ công nghệ và tác chiến linh hoạt
Iran tuyên bố đạt mức tự chủ 90 - 93% trong sản xuất quốc phòng. Các tổ chức như Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng (DIO) và IEI đóng vai trò then chốt, phối hợp với hơn 3.150 doanh nghiệp nội địa và 92 cơ sở nghiên cứu, đào tạo kỹ thuật.
Hệ thống sản xuất hiện nay có thể cung ứng từ xe tăng chủ lực Zulfiqar, xe thiết giáp Rakhsh, pháo binh cơ động, cho đến UAV và tên lửa các loại. Ngoài ra, Iran còn sản xuất các radar tầm trung và tầm xa, phục vụ mục tiêu cảnh báo sớm và bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược.
Đầu năm 2025, Iran xác nhận đã tiếp nhận tiêm kích Su-35 từ Nga. Dù chưa rõ số lượng và tiến độ tích hợp, đây được xem là một bước tăng cường năng lực không quân công nghệ cao bên cạnh nền tảng phòng không nội địa.
Trong lĩnh vực hải quân, Iran chú trọng đầu tư vào các nền tảng nhỏ gọn nhưng có hỏa lực mạnh. Tiêu biểu là lớp tàu hộ vệ Shahid Soleimani với khả năng phóng tên lửa và phòng không tầm gần. Đặc biệt, Iran đã đưa vào biên chế tàu IRIS Shahid Bagheri - một tàu container cải hoán, trọng tải 41.000 tấn, trang bị hệ thống phóng UAV và radar giám sát tầm xa, thể hiện tham vọng phát triển chiến lược “tàu sân bay không người lái”.
Tàu mang theo hàng chục UAV trinh sát, vũ trang, để phục vụ cho chiến lược tấn công phi đối xứng trên biển, đặc biệt tại eo biển Hormuz hoặc Địa Trung Hải.
Mở rộng lực lượng vũ trang
Trong vòng 5 năm qua, Iran đã mở rộng lực lượng vũ trang thông qua cả việc tăng cường nhân sự và tái cơ cấu tổ chức trên toàn bộ các quân chủng. Lực lượng vũ trang chính quy hiện có khoảng khoảng 960.000 người (610.000 quân nhân tại ngũ và 350.000 quân dự bị).
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ước khoảng 300.000 quân, gồm bộ binh chuyên biệt, lực lượng hải quân và hàng không, vũ trụ. Lực lượng cảnh sát quốc gia (FARAJA) đóng vai trò bổ sung thêm nhân lực, trong khi lực lượng Basij, một đơn vị huy động hỗ trợ, được cho là có số lượng từ vài trăm nghìn đến thậm chí vài triệu người.
Cơ cấu này cho phép bộ máy quốc phòng Iran duy trì một lực lượng nhân sự lớn với nhiều cấp độ huấn luyện và mức độ sẵn sàng khác nhau, tạo điều kiện cho luân chuyển lực lượng, triển khai theo vùng và tăng cường chiều sâu chiến lược tại cả các chiến trường trong nước lẫn bên ngoài. Ngoài ra, Iran vẫn duy trì sự hiện diện qua các lực lượng ủy nhiệm được IRGC hậu thuẫn.
Với việc tăng chi tiêu quốc phòng lên mức chưa từng có, kết hợp cùng cam kết phát triển các lĩnh vực công nghệ then chốt như UAV, tên lửa thông minh, chiến tranh mạng và nền tảng chỉ huy kỹ thuật số, Iran đang chuẩn bị cho một kịch bản xung đột kéo dài. Việc thể chế hóa các cơ chế tài chính, đẩy mạnh sản xuất nội địa và tối ưu hóa công nghệ tác chiến phi đối xứng cho thấy Iran không chỉ hướng đến răn đe chiến lược mà còn đặt nền móng cho sự sẵn sàng dài hạn, bất chấp áp lực trừng phạt và kinh tế.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/iran-day-manh-phat-trien-cong-nghe-quan-su-noi-dia-chuan-bi-cho-xung-dot-keo-dai-234987.html