Iran đối mặt giai đoạn điều chỉnh đầy bất ổn sau xung đột với Israel

Iran đối mặt giai đoạn điều chỉnh đầy bất ổn sau xung đột với Israel
8 giờ trướcBài gốc
Đại giáo chủ Ali Khamenei phát biểu tại Tehran, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo bài phân tích của chuyên gia Farhad Ibragimov đăng trên đài RT ngày 3/7, những diễn biến vừa qua đã bộc lộ rõ giới hạn của các nỗ lực khôi phục đối thoại với phương Tây. Việc Mỹ trực tiếp can dự vào xung đột, cùng những phát ngôn thiếu nhất quán từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã làm sâu sắc thêm tâm lý hoài nghi, ngay cả trong nội bộ các nhóm được xem là ôn hòa ở Tehran.
Trước đó, không ít chính khách và học giả Iran từng đặt hy vọng vào lộ trình “tan băng” quan hệ với phương Tây. Tuy nhiên, loạt tín hiệu mâu thuẫn từ Washington đã khiến hy vọng này trở nên mong manh. Cuối tháng 6, kênh Fox News đưa tin Mỹ đang cân nhắc một gói hỗ trợ dành cho chương trình hạt nhân dân sự của Iran. Ngay sau đó, Tổng thống Trump bác bỏ thông tin này, đồng thời không loại trừ khả năng tiến hành thêm các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân của Tehran. Tiếp đó, ông lại để ngỏ khả năng nới lỏng trừng phạt nếu Iran thể hiện “thái độ hòa bình”.
Những tuyên bố và hành động thay đổi liên tục từ Washington, theo đánh giá của giới chuyên gia, không còn được Iran coi là thiện chí ngoại giao, mà được nhìn nhận như một cách gia tăng sức ép. Điều này khiến ngay cả những ý kiến ủng hộ đường lối mềm dẻo, đối thoại trong nội bộ Iran cũng khó duy trì quan điểm khi bối cảnh đã thay đổi.
Theo phân tích trên RT, bên trong Iran hiện vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt về định hướng phát triển chương trình hạt nhân. Một bộ phận có quan điểm cứng rắn, đặc biệt là từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), công khai cho rằng Iran không chỉ đủ khả năng mà còn cần thiết phải hướng tới sở hữu vũ khí hạt nhân để củng cố khả năng răn đe chiến lược. Trong khi đó, một số cựu quan chức ngoại giao vẫn cho rằng việc duy trì kênh đối thoại là cần thiết, nhằm tránh để đất nước rơi vào thế cô lập kinh tế và đối mặt với rủi ro bất ổn kéo dài.
Bên cạnh vấn đề hạt nhân, câu chuyện kế nhiệm Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, năm nay đã 86 tuổi, cũng đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn. Ông Khamenei từ lâu được đánh giá là nhân tố giữ vai trò then chốt trong việc duy trì thế cân bằng giữa các trung tâm quyền lực ở Tehran, từ quốc hội, chính phủ đến IRGC và Hội đồng Bảo vệ Iran. Việc chuyển giao lãnh đạo trong bối cảnh căng thẳng khu vực, áp lực bên ngoài và những khác biệt nội bộ được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, đòi hỏi người kế nhiệm không chỉ có uy tín cá nhân mà còn cần bản lĩnh chính trị đủ mạnh để giữ ổn định tình hình.
Chuyên gia Farhad Ibragimov nhận định cuộc xung đột với Israel đã để lại những ‘vết thương’ không dễ hàn gắn, khiến các tín hiệu ngoại giao từ Mỹ hiện nay đều được Tehran nhìn nhận với sự dè chừng. Dù khả năng đối thoại chưa hoàn toàn khép lại, song thực tế cho thấy cánh cửa này đang thu hẹp đáng kể, khi Iran được cho là sẽ tập trung ưu tiên tăng cường khả năng tự chủ, củng cố nội lực và nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-doi-mat-giai-doan-dieu-chinh-day-bat-on-sau-xung-dot-voi-israel-20250704071131019.htm