Iran đối mặt khủng hoảng nước nghiêm trọng

Iran đối mặt khủng hoảng nước nghiêm trọng
8 giờ trướcBài gốc
Một người đàn ông đổ nước lên đầu giải nhiệt dưới trời nắng gắt tại Tehran, Iran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngày 22/7, tờ The Guardian đưa tin chính phủ Iran đã ra lời kêu gọi toàn quốc hạn chế sử dụng nước và điện khi quốc gia này trải qua đợt nắng nóng được đánh giá là khắc nghiệt nhất trong năm. Theo số liệu của cơ quan khí tượng Iran, nhiệt độ tại một số địa phương đã vượt 50°C - mức đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, an ninh năng lượng và an toàn nguồn nước.
Tại thành phố Shabankareh (tây nam Iran), nhiệt độ được ghi nhận lên tới 52,8°C vào cuối tuần qua - mức nhiệt cao nhất tại Iran trong năm 2025 tính đến thời điểm hiện tại. Tại thị trấn Abadan, nhiệt độ đạt 51,6°C vào ngày 17/7, trong khi thành phố Ahwaz lân cận ghi nhận 50,3°C vào ngày 21/7. Riêng thủ đô Tehran trải qua hai ngày liên tiếp nắng nóng với mức nhiệt 40-41°C, song người dân cho biết cảm giác thực tế "như vượt quá 45°C" do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Cùng với nhiệt độ cao kỷ lục, Iran đang phải đối mặt với khủng hoảng nước kéo dài do hạn hán nghiêm trọng trong suốt 5 năm qua. Mùa mưa năm nay tiếp tục thiếu hụt, khiến mực nước tại nhiều hồ chứa và đập thủy lợi trên toàn quốc sụt giảm nhanh chóng. Đập Karaj - một trong những nguồn cấp nước chính cho tỉnh Tehran - đã xuống mức thấp nhất lịch sử.
Phát biểu tại cuộc họp nội các hôm Chủ nhật, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng hơn những gì đang được nhìn nhận hiện nay. Nếu không hành động ngay, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống không thể kiểm soát trong tương lai”. Ông nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về quản lý tài nguyên hiệu quả và cắt giảm lối tiêu thụ thiếu bền vững.
Trước tình trạng khẩn cấp, chính phủ Iran đã quyết định cho thủ đô Tehran nghỉ lễ vào thứ Tư, ngày 23/7, nhằm giảm tải tiêu thụ điện và nước trong bối cảnh nắng nóng kéo dài. Cùng lúc, Bộ trưởng Năng lượng Abbas Aliabadi cho biết Iran đang xúc tiến các cuộc đàm phán với một số quốc gia láng giềng như Turkmenistan, Afghanistan, Tajikistan và Uzbekistan để xem xét khả năng nhập khẩu nước - giải pháp tình thế nhằm bổ sung nguồn cung đang suy giảm nghiêm trọng trong nước.
Tuy nhiên, các vấn đề về hạ tầng lạc hậu, quản lý thiếu hiệu quả và cạnh tranh nguồn nước xuyên biên giới đang làm phức tạp thêm tình hình. Tại thành phố Mashhad (phía đông bắc Iran), người dân phản ánh tình trạng cắt điện kéo dài 9 tiếng mỗi ngày trong khi khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng. Một số ý kiến chỉ trích công trình đập mới do Afghanistan xây dựng tại tỉnh Herat đã làm gián đoạn dòng chảy về vùng đông bắc Iran.
Từ góc độ khí hậu, các nhà khoa học cho rằng những đợt nắng nóng như hiện nay là hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chỉ ra rằng tần suất và cường độ của các đợt sóng nhiệt tại Trung Đông - Bắc Phi đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Theo nhà khí tượng học Maximiliano Herrera, “nhiệt độ 52,8°C tại Iran là một trong những mức cao nhất từng ghi nhận trên Trái Đất trong năm 2025 và rất có thể không phải là đỉnh điểm”.
Thực tế tại Iran phản ánh mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia nằm trong vùng khí hậu bán khô hạn trước những tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng thủy lợi đã lỗi thời, cùng với hạn chế trong năng lực tích trữ và phân phối nước, đang khiến Iran gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-doi-mat-khung-hoang-nuoc-nghiem-trong-20250722151128762.htm