Ảnh: OP
"Chúng tôi không thể cho phép thậm chí chỉ 1% khả năng làm giàu uranium", Witkoff nói với ABCNews vào ngày 18/5, nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động làm giàu uranium nào, ngay cả vì mục đích dân sự, đều có thể dẫn đến vũ khí hóa.
"Mọi thứ bắt đầu bằng một thỏa thuận không làm giàu uranium, vì làm giàu uranium cho phép vũ khí hóa. Và chúng tôi sẽ không cho phép có một quả bom như vậy", ông Witkoff phát biểu.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi nhanh chóng bác bỏ yêu cầu của Witkoff và cho là không liên quan đến thực tế của các cuộc đàm phán.
"Việc làm giàu uranium ở Iran sẽ tiếp tục bất kể có hay không có thỏa thuận", ông Araghchi đăng trên mạng xã hội X, nhấn mạnh rằng quyền làm giàu uranium của Iran là không thể thương lượng với tư cách là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Nhà ngoại giao Iran nói thêm: "Nếu Mỹ quan tâm đến việc đảm bảo rằng Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân, thì thỏa thuận nằm trong tầm tay, và chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nghiêm túc để đạt được một giải pháp vĩnh viễn đảm bảo kết quả đó".
Ông Araqchi cũng chỉ trích những điều mà ông mô tả là thông điệp không nhất quán của Mỹ trước công chúng và cho rằng những bình luận về việc không làm giàu uranium là nỗ lực xoa dịu "các nhóm lợi ích đặc biệt" của chính quyền Tổng thống Trump, mà ông mô tả là "các thế lực xấu".
Trong bối cảnh đảm phán bế tắc, Kamal Kharrazi, cố vấn cấp cao của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đã củng cố lập trường của Iran về việc làm giàu uranium trong một cuộc họp thường niên tại thủ đô Iran vào ngày 18/5. Ông mô tả kiến thức về hạt nhân của Iran là "không thể đảo ngược", đồng thời nói thêm rằng Iran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân nhưng giải trừ vũ khí hạt nhân trong khu vực phải là mục tiêu chung.
Kharrazi trước đây đã cảnh báo rằng mặc dù Iran có thể không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể chế tạo bom và "có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình nếu phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu".
Ông Witkoff và ông Araqchi đã gặp nhau trực tiếp và gián tiếp trong bốn vòng đàm phán hạt nhân do Oman làm trung gian, nhưng chưa có ngày nào được ấn định cho vòng đàm phán thứ năm. Một số báo cáo cho biết cuộc họp tiếp theo có thể được tổ chức vào cuối tuần tới.
Tuần trước, Tổng thống Trump cho biết, Washington đang "tiến gần hơn" đến một thỏa thuận với Tehran và thúc giục Cộng hòa Hồi giáo "hành động nhanh chóng" đối với đề xuất của Mỹ về chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Araqchi nhấn mạnh rằng Iran chưa nhận được đề xuất bằng văn bản.
"Họ có một đề xuất. Quan trọng hơn, họ biết rằng họ phải hành động nhanh chóng nếu không sẽ có điều tồi tệ. Điều tồi tệ sẽ xảy ra", ông Trump nói.
Hossein Aghaie, một nhà phân tích an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết lời cảnh báo của ông Trump đóng vai trò là "tối hậu thư bất thành văn" nhưng nói thêm rằng nhà lãnh đạo Mỹ có vẻ rất lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với Tehran chỉ thông qua ngoại giao đáp ứng các yêu cầu của Mỹ, chẳng hạn như từ bỏ làm giàu uranium và thu hẹp các hoạt động trong khu vực.
"Ông Trump đang nhấn mạnh vào ngoại giao và rất lạc quan rằng ngoại giao sẽ mang lại kết quả mà Mỹ mong muốn", ông Aghaie nói.
"Nếu Mỹ không nhượng bộ các yêu cầu tối đa của mình, họ không thể đạt được điều mình muốn chỉ thông qua ngoại giao", nhà phân tích nói thêm.
Được biết, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ có hành động quân sự chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran nếu hai nước không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Tehran đã cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa nếu bị tấn công.
Bình An
OP