Iran muốn từ bỏ hệ thống GPS: Dấu hiệu về cuộc 'chiến tranh lạnh' công nghệ

Iran muốn từ bỏ hệ thống GPS: Dấu hiệu về cuộc 'chiến tranh lạnh' công nghệ
10 giờ trướcBài gốc
Iran đang cân nhắc chuyển sang sử dụng hệ thống Bắc Đẩu thay vì dùng hệ thống GPS. (Ảnh minh họa: Canva)
Chuyên gia phân tích tình hình thế giới Jasim Al-Azzawi của trang tin Al Jazeera vừa có bài viết đáng chú ý về kế hoạch từ bỏ hệ thống định vị vệ tinh GPS sau cuộc xung đột ngắn mới đây với Israel. VietnamPlus xin được giới thiệu với độc giả về nội dung bài viết này:
"Trong vài năm qua, nhiều chính quyền trên khắp thế giới đã đặc biệt chú ý đến các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông – những nơi được coi là “phòng thí nghiệm” cho các hình thái chiến tranh tương lai, không chỉ xét liên quan tới vũ khí mà còn cả công nghệ và chiến thuật.
Gần đây nhất, cuộc tấn công do Israel thực hiện, với sự hỗ trợ của Mỹ, nhằm vào Iran không chỉ cho thấy các phương thức triển khai thiết bị bay không người lái (drone) và hoạt động xâm nhập mới, mà còn phơi bày những điểm yếu công nghệ nghiêm trọng. Cụ thể, trong suốt 12 ngày diễn ra xung đột, Iran và các tàu hoạt động tại khu vực vùng Vịnh liên tục gặp tình trạng nhiễu loạn tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu GPS.
Tình trạng này đã khiến giới chức Iran lo ngại. Ngay sau khi xung đột kết thúc, chính phủ nước này bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế.
“Đôi khi hệ thống GPS bị gián đoạn do các yếu tố nội bộ, và điều đó thúc đẩy chúng tôi xem xét phương án thay thế như (hệ thống định vị vệ tinh) Bắc Đẩu,” ông Ehsan Chitsaz, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Iran phát biểu với truyền thông trong nước hồi giữa tháng 7. Ông cũng cho biết chính phủ đang lên kế hoạch chuyển đổi các lĩnh vực vận tải, nông nghiệp và internet sang sử dụng hệ thống định vị của Trung Quốc.
Thoạt nhìn, đây có thể là một động thái mang tính đối phó tình thế. Nhưng xét trong bối cảnh rộng hơn, đây là biểu hiện rõ ràng của một sự chuyển dịch chiến lược sâu rộng trên toàn cầu.
Trong hàng thập kỷ, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã nắm thế thống trị hạ tầng công nghệ thế giới, từ các hệ điều hành máy tính, mạng Internet cho đến viễn thông và hệ thống định vị vệ tinh. Điều này khiến phần lớn thế giới rơi vào tình trạng lệ thuộc công nghệ phương Tây, và sự lệ thuộc này có thể nhanh chóng trở thành điểm yếu.
Kể từ năm 2013, các vụ rò rỉ thông tin và điều tra báo chí đã cho thấy nhiều công nghệ phương Tây bị lạm dụng cho các hoạt động giám sát và thu thập dữ liệu trên quy mô toàn cầu – điều khiến nhiều chính phủ lo ngại.
Việc Iran cân nhắc chuyển sang Bắc Đẩu, vì thế, gửi đi một thông điệp rõ ràng: Kỷ nguyên của sự phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ do Mỹ kiểm soát đang dần kết thúc. Các quốc gia không còn muốn phó thác năng lực quốc phòng và chủ quyền số của mình cho mạng lưới vệ tinh do Mỹ điều hành.
Chính tâm lý này đã thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt hệ thống định vị quốc gia và khu vực như Galileo của châu Âu hay GLONASS của Nga – tất cả đều nhằm giành lại phần nào quyền kiểm soát chủ quyền và thị phần trên thị trường định vị toàn cầu.
GPS không phải là lỗ hổng duy nhất mà Iran phát hiện trong các cuộc tấn công vừa qua. Israel đã ám sát thành công nhiều nhà khoa học hạt nhân và chỉ huy cấp cao trong lực lượng an ninh, quân đội Iran.
Việc đối phương có thể xác định chính xác vị trí của các mục tiêu làm dấy lên lo ngại rằng hệ thống viễn thông nội địa đã bị xâm nhập, và rằng Israel có thể truy dấu mục tiêu thông qua điện thoại di động.
Ngày 17/6 năm nay, khi cuộc xung đột vẫn đang diễn ra, chính quyền Iran đã kêu gọi người dân ngừng sử dụng ứng dụng nhắn tin WhatsApp và xóa nó khỏi điện thoại. Iran cáo buộc nền tảng này thu thập dữ liệu người dùng để chuyển cho Israel.
Mặc dù chưa rõ lời kêu gọi có liên quan trực tiếp đến các vụ ám sát hay không, nhưng mối nghi ngờ của Iran với một ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Meta (Mỹ) không phải là không có cơ sở.
Nhiều chuyên gia an ninh mạng từ lâu đã đặt dấu hỏi về tính bảo mật của WhatsApp. Gần đây, truyền thông đưa tin rằng phần mềm trí tuệ nhân tạo mà Israel dùng để xác định mục tiêu tại Gaza được “nuôi” bằng dữ liệu thu thập từ mạng xã hội. Được biết, ngay sau khi các cuộc tấn công vào Iran kết thúc, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua lệnh cấm sử dụng WhatsApp trên thiết bị công vụ.
Với Iran và nhiều quốc gia khác, thông điệp đã rõ. Các nền tảng phương Tây không còn đơn thuần là công cụ giao tiếp. Thay vì thế, chúng là vũ khí trong một cuộc chiến tình báo kỹ thuật số.
Tehran từ lâu đã phát triển một hệ thống mạng kết nối nội địa (Intranet) – mang tên Mạng Thông tin Quốc gia – cho phép nhà nước kiểm soát sâu hơn việc sử dụng Internet. Trong thời gian tới, quá trình này có khả năng sẽ được mở rộng, và thậm chí là học theo mô hình tường lửa của Trung Quốc.
Với quyết tâm tách mình khỏi hạ tầng do phương Tây chi phối, Iran đang củng cố vị thế trong một trục ảnh hưởng mới – thách thức trực tiếp sự thống trị của phương Tây. Sự hợp tác giữa Iran và Trung Quốc không dừng ở mức giao dịch đơn thuần, mà cho thấy sự kết nối chiến lược nhằm đảm bảo quyền tự chủ số thực sự.
Đặt trong bối cảnh sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, bước đi này của Iran càng mang ý nghĩa chiến lược. Dù thường được nhìn nhận như một chương trình phát triển hạ tầng và thương mại, BRI trên thực tế là bản thiết kế đầy tham vọng nhằm định hình một trật tự thế giới mới. Với vị trí địa lý chiến lược và vai trò cung cấp năng lượng then chốt, Iran đang trở thành đối tác ngày càng quan trọng trong sáng kiến này.
Những gì đang diễn ra là sự hình thành của một khối công nghệ mới – nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gắn chặt với tinh thần phản kháng chính trị. Các quốc gia mệt mỏi với sự áp đặt, tiêu chuẩn kép và bá quyền số từ phương Tây đã tìm thấy lợi ích chiến lược từ một sự ảnh hưởng mới.
Sự chuyển dịch nhanh chóng này là dấu hiệu báo trước cho một cuộc “chiến tranh lạnh công nghệ” – cuộc đối đầu âm ỉ trong đó các quốc gia sẽ lựa chọn hạ tầng thiết yếu như định vị, truyền thông, dữ liệu hay thanh toán không còn dựa trên công nghệ ưu việt, mà dựa vào lòng tin chính trị và nhận thức về an ninh.
Khi ngày càng nhiều quốc gia làm theo, lợi thế công nghệ phương Tây sẽ dần bị thu hẹp, kéo theo sự thay đổi toàn diện trong cán cân quyền lực toàn cầu"./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/iran-muon-tu-bo-he-thong-gps-dau-hieu-ve-cuoc-chien-tranh-lanh-cong-nghe-post1052283.vnp