Iran ngừng hợp tác với IAEA, nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang

Iran ngừng hợp tác với IAEA, nguy cơ căng thẳng tiếp tục leo thang
8 giờ trướcBài gốc
Phản ứng trước việc Iran quyết định đình chỉ hợp tác với IAEA, cơ quan đóng vai trò giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce lên án mạnh mẽ và gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được” đồng thời kêu gọi Tehran tuân thủ các nghĩa vụ của mình:
“Chúng tôi sẽ dùng từ không thể chấp nhận được khi Iran chọn cách đình chỉ hợp tác với IAEA vào thời điểm nước này có cơ hội đảo ngược hướng đi và chọn con đường hòa bình và thịnh vượng. Iran phải hợp tác toàn diện với IAEA mà không được trì hoãn thêm nữa. Iran không thể và sẽ không có vũ khí hạt nhân. Tổng thống Donald Trump đã nói điều này nhiều lần”.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phát biểu trước báo chí. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, giới chức Iran nhiều lần khẳng định nước này sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân vì hòa bình của mình, bao gồm hoạt động làm giàu urani. Trả lời phỏng vấn Đài CBS của Mỹ được phát sóng hôm 2/7, Ngoại trưởng Iran Abbass Araghchi tuyên bố người Iran không dễ dàng từ bỏ quyền làm giàu urani.
Theo đó, Iran sẵn sàng một lần nữa đương đầu với các cuộc tấn công gây hấn của Mỹ và Israel, tương tự như cách Tehran đã chứng minh sức mạnh và khả năng tự vệ của mình trong cuộc chiến khốc liệt 12 ngày đêm hồi tháng 6. Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani 29/6 cho biết, nước này sẽ không bao giờ ngừng việc làm giàu urani vì “mục đích hòa bình”, bất chấp các cuộc không kích của Mỹ.
Phía IAEA cho biết đang chờ thông báo chính thức từ Iran về ý nghĩa của việc đình chỉ. Hiện các thanh tra viên của IAEA vẫn có mặt tại Iran sau thông báo trên và chưa nhận được yêu cầu chính thức chính phủ về việc rời đi.
Quyết định của Iran cũng ngay lập tức vấp phải sự lên án từ phía Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar trong bài đăng trên mạng xã hội X cho biết, Iran vừa đưa ra thông báo “tai tiếng” về việc đình chỉ hợp tác với IAEA. Đây là sự từ bỏ hoàn toàn mọi nghĩa vụ và cam kết hạt nhân quốc tế của nước này. Ông Saar thúc giục các quốc gia châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran thực hiện cái gọi là “điều khoản phục hồi”, một điều khoản cho phép tái áp đặt tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nếu một bên phương Tây tuyên bố rằng Iran đã vi phạm thỏa thuận.
Sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2018, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là cơ quan duy nhất còn lại đóng vai trò then chốt trong việc giám sát, kiểm chứng thực tế, đánh giá và ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. IAEA chính là “con mắt toàn cầu” để giám sát chương trình hạt nhân Iran.
Việc Iran đình chỉ hợp tác với IAEA khiến thế giới khó có thể tiếp cận được thông tin về chương trình làm giàu urani của nước này. Hơn nữa, những mâu thuẫn về mục đích làm giàu urani của Iran càng làm gia tăng nguy cơ xung đột mạnh mẽ hơn giữa Iran với Mỹ và Israel trong thời gian tới.
Hoàng Nguyễn/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/iran-ngung-hop-tac-voi-iaea-nguy-co-cang-thang-tiep-tuc-leo-thang-post1212061.vov