Ngày 20-7, hãng thông tấn Tasnim dẫn nguồn tin (đề nghị không tiết lộ danh tính) rằng Iran cùng các nước nhóm E3 (Anh, Pháp và Đức) đã đồng ý nối lại công tác đàm phán liên quan chương trình hạt nhân của Tehran.
Thời gian và địa điểm cụ thể vẫn đang được thương lượng, nhưng dự kiến cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa Iran và ba nước châu Âu trong tuần này, theo Tasnim.
Iran và nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức) có thể tiến hành đàm phán hạt nhân trong tuần này. Ảnh: VCG
Sau đó không lâu, trong cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Quốc gia Iran (IRIB) cùng ngày, Ngoại trưởng Iran - ông Abbas Araghchi khẳng định Tehran hiện đang ở một vị thế vững vàng hơn trước trong việc theo đuổi các quyền lợi quốc gia, đặc biệt sau xung đột quân sự gần đây.
“Lập trường của chúng tôi hiện nay mạnh mẽ và cứng rắn hơn trước. Điều cần thiết là các nước châu Âu phải được thông báo rõ ràng về quan điểm của Iran và Iran chắc chắn vững mạnh hơn trước trong việc bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Araghchi nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về thời điểm vòng đàm phán hạt nhân với nhóm E3, ông Araghchi cho biết thời gian cụ thể vẫn đang được thảo luận.
Ở một diễn biến liên quan, trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Araghchi tuyên bố rằng E3 không còn bất kỳ cơ sở pháp lý, chính trị hay đạo lý nào để kích hoạt các cơ chế trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo hãng thông tấn Mehr.
“Tôi đã trình bày lý do vì sao nhóm E3 không còn tư cách pháp lý, chính trị hay đạo lý để viện dẫn các cơ chế của JCPOA và Nghị quyết 2231” - ông Araghchi viết trên X.
Theo ngoại trưởng Iran, thông qua việc hỗ trợ chính trị và vật chất cho hành động quân sự của Mỹ và Israel, phủ nhận các trụ cột của thỏa thuận hạt nhân và không thực hiện các nghĩa vụ của mình, nhóm E3 đã “tự tước bỏ vai trò là các bên tham gia JCPOA”.
Ông Araghchi cũng cáo buộc nhóm E3 đang làm tổn hại uy tín của Hội đồng Bảo an bằng cách “lạm dụng một nghị quyết mà chính họ không còn cam kết thực hiện”.
“Iran đã chứng minh rằng mình có đủ năng lực để vượt qua mọi thủ đoạn [của đối thủ]. Tuy nhiên, chúng tôi luôn sẵn sàng đáp lại một nền ngoại giao có ý nghĩa bằng thiện chí” - ông Araghchi viết.
Nhóm E3 chưa lên tiếng về thông tin trên.
Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được thông qua vào năm 2015, là văn kiện chính thức phê chuẩn JCPOA - tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung.
JCPOA là thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018, làm dấy lên làn sóng căng thẳng ngoại giao và quân sự kéo dài đến nay.
DƯƠNG KHANG