Iran tính di dời thủ đô: Bước ngoặt hay thử thách lớn?

Iran tính di dời thủ đô: Bước ngoặt hay thử thách lớn?
7 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh đường phố tại Tehran, Iran, ngày 26/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian mới đây đã ra lệnh nghiên cứu việc di dời thủ đô khỏi Tehran, một trong những thành phố lớn nhất và đông dân nhất của nước này. Ông Pezeshkian đã bổ nhiệm Phó Tổng thống Mohammad Reza Aref lãnh đạo dự án này, được xem là một trong những sáng kiến đô thị đầy tham vọng nhất trong lịch sử hiện đại của Iran.
Lý do di dời
Tehran, với dân số khoảng 15 triệu người, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ông Pezeshkian phát biểu rằng "Tehran với tư cách là thủ đô đang phải đối mặt với những vấn đề không thể vượt qua. Dù chúng ta làm gì, chúng ta cũng chỉ đang lãng phí thời gian". Các thách thức mà thành phố này gặp phải bao gồm ô nhiễm không khí, khan hiếm nước, sụt lún đất và nguy cơ động đất. Những yếu tố này đã khiến việc duy trì một thủ đô tại vị trí hiện tại trở nên khó khăn và không bền vững.
Iran có một lịch sử phong phú về việc thay đổi thủ đô. Trong hơn 3.000 năm qua, quốc gia này đã có hơn 30 thủ đô khác nhau, từ Persepolis của người Achaemenid đến Isfahan của người Safavid và cuối cùng là Tehran của thế kỷ 20. Việc di dời thủ đô không phải là điều mới mẻ; các chính phủ trước đây đã từng cân nhắc về vấn đề này nhưng chưa bao giờ thực hiện.
Vấn đề di dời thủ đô đã được đưa ra từ những năm 1980. Đề xuất nghiêm túc đầu tiên được đưa ra trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Mir-Hossein Mousavi và tiếp tục được các chính quyền sau đó xem xét. Năm 2015, Quốc hội Iran đã thông qua luật nghiên cứu tính khả thi của việc di dời trung tâm hành chính và chính trị, dẫn đến việc thành lập Hội đồng Tối cao về Tổ chức lại Thủ đô vào năm 2018. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị gác lại vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh rằng việc chuyển trung tâm kinh tế và chính trị về phía Nam, gần biển hơn, là cần thiết để cải thiện hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Ông cho biết: "Chúng ta không thể tiếp tục đưa nguyên liệu thô từ phía Nam và biển vào trung tâm, chế biến chúng và chuyển chúng trở lại phía Nam để xuất khẩu". Điều này làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Iran.
Các chuyên gia môi trường cũng cảnh báo rằng chi phí cho việc không hành động có thể cao hơn rất nhiều so với chi phí cho việc di dời thủ đô. Cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí hàng năm ở Tehran đã buộc phải đóng cửa trường học và gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Ngoài việc nghiên cứu di dời thủ đô, chính quyền của Tổng thống Pezeshkian còn đặt mục tiêu phát triển các khu vực phía Nam của Iran. Ông tiết lộ rằng mình sẽ giám sát tiến độ hàng tuần trong việc phát triển bờ biển Makran, một khu vực chiến lược dọc theo Vịnh Oman, lưu ý nếu khôi phục các hành lang Bắc-Nam của đất nước thành công, đây sẽ là bước tiến lớn trong quá trình phát triển quốc gia.
Thách thức trong quá trình di dời
Mặc dù sáng kiến di dời thủ đô được xem là đầy tham vọng, nhưng nó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng mới có thể lên tới hàng trăm tỷ đô la Mỹ, một con số khổng lồ đối với nền kinh tế Iran đang chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây và tình trạng thiếu hụt tài chính.
Việc thuyết phục người dân và doanh nghiệp ở Tehran di dời cũng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Một số ý kiến cho rằng thay vì di dời toàn bộ thủ đô, nên xây dựng một trung tâm hành chính mới gần Tehran để giảm bớt áp lực cho thành phố hiện tại.
Một số chuyên gia cảnh báo rằng việc di dời thủ đô thành công rất hiếm trong thời đại hiện đại. Hầu hết các ví dụ về di dời thủ đô đều có từ trước những năm 1950. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu thực hiện đúng cách, việc di dời có thể mang lại lợi ích lâu dài cho Iran.
Mehdi Chamran, Chủ tịch Hội đồng thành phố Tehran, cũng tham gia vào cuộc tranh luận này khi ông nhấn mạnh rằng cần phân bổ các vấn đề của Iran trên tất cả các tỉnh và thành phố chứ không chỉ tập trung vào Tehran.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Bne.eu)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-tinh-di-doi-thu-do-buoc-ngoat-hay-thu-thach-lon-20241123224133451.htm