Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei. Ảnh: MNA
Ông Baghaei tuyên bố: “Chính phủ lâm thời của Syria sẽ tiếp quản mọi nghĩa vụ tài chính của Syria đối với Iran” theo nguyên tắc kế thừa nhà nước, sau khi chính quyền của ông Bashar al Assad sụp đổ.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về tương lai mối quan hệ giữa Tehran và chính quyền lâm thời mới tại Damascus.
Cùng với phát biểu về việc mở lại Đại sứ quán Iran tại Syria khi "điều kiện cần thiết được đáp ứng", giới quan sát đang cố gắng giải mã liệu đây có phải là động thái đòi hỏi tài chính hay chiến lược gây sức ép lên chính quyền mới tại Damascus.
Iran cho biết đã đầu tư đáng kể trong 12 năm qua để hỗ trợ chính phủ ông Assad, với một số quan chức ước tính con số có thể lên tới hơn 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Baghaei bác bỏ thông tin này, gọi các con số này là “quá phóng đại”. Yêu cầu bồi hoàn tương tự đã được Iran đưa ra trước đây, đặc biệt vào năm 2020, khi cựu nghị sĩ Heshmatollah Falahatpisheh nhấn mạnh Syria phải hoàn trả các khoản chi từ ngân sách công của Iran trong cuộc chiến.
Một số nhà phân tích nhận định, yêu cầu tài chính này không chỉ là vấn đề đòi nợ mà còn là một công cụ chính trị để gây sức ép lên chính quyền mới tại Syria.
Ông Omair Anas, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Ankara Yildirim Beyazit, cho rằng động thái này có thể là thông điệp không đồng tình với các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền ông Assad.
Trong bối cảnh chính trị bất ổn hiện tại, Tehran có thể chuyển hướng chiến lược bằng cách tìm kiếm hòa giải và hợp tác thay vì nhấn mạnh đòi hỏi tài chính.
Theo ông Anas, mối quan hệ song phương không dựa trên lợi ích giáo phái có thể giúp cả Iran và Syria đối mặt với các thách thức chung như tái thiết đất nước và bảo vệ cộng đồng thiểu số.
Tuy nhiên, quan hệ giữa chính quyền lâm thời Syria và Iran dường như không mấy tích cực. Chính quyền mới có thể đưa ra yêu cầu bồi thường ngược lại đối với Tehran vì những thiệt hại do các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn gây ra. Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể dẫn đến các cuộc đối đầu pháp lý nếu các phiên tòa chống lại ông Assad và đồng minh diễn ra.
Trong thập kỷ qua, hỗ trợ tài chính của Iran cho Syria bao gồm viện trợ tiền mặt, cung cấp dầu, hỗ trợ quân sự và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Các tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng từ 2012 đến 2021, Tehran đã cung cấp khoảng 11 tỷ USD dầu cho Syria. Thỏa thuận năm 2019 còn đảm bảo Syria không loại bỏ Iran trong trường hợp ông Assad bị lật đổ. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực, Tehran vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào để bảo vệ lợi ích của mình tại Syria.
Từ góc độ pháp lý, yêu cầu bồi hoàn của Iran có thể được coi là hợp lệ dựa trên các giao dịch thương mại song phương. Tuy nhiên, sự thiếu ổn định chính trị và vị thế chưa được công nhận của chính quyền lâm thời Syria trên trường quốc tế khiến yêu cầu này khó có thể thực hiện.
Theo ông Anas, đây có thể chỉ là tuyên bố chính trị tạm thời, nhằm thể hiện sự bất mãn hơn là mục tiêu chính sách dài hạn.
Khi Syria đối mặt với thời kỳ chuyển tiếp đầy bất ổn, liệu Tehran có thể thay đổi chiến lược để củng cố mối quan hệ song phương hay tiếp tục cuộc chơi quyền lực tại Damascus vẫn là một câu hỏi lớn.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo TRT)