Tên lửa đất đối không được phóng từ hệ thống THAAD. Ảnh: MW.
Quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 150 tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đánh chặn các đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran trong 11 ngày giao tranh giữa Iran và Israel từ 13–24/6, con số vượt xa mọi ước tính trước đó về lượng tên lửa được khai hỏa.
Con số này chiếm tới hơn 25% tổng kho THAAD của Lục quân Mỹ trên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về khả năng duy trì phòng thủ tên lửa nếu phải đối mặt với các đợt oanh tạc kéo dài ở các khu vực khác trên thế giới. Với chi phí lên tới 15,5 triệu USD mỗi lần phóng, việc bảo vệ không phận Israel bằng THAAD đã tiêu tốn hơn 2,35 tỷ USD.
Song song với THAAD, tốc độ tiêu hao tên lửa SM-3 và SM-6 của Hải quân Mỹ nhằm hỗ trợ phòng không Israel cũng đạt mức cực lớn, khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng duy trì kho vũ khí chống tên lửa của lực lượng này.
Tên lửa đạn đạo của Iran bay sang lãnh thổ Israel. Ảnh: MW.
Tờ Wall Street Journal đưa tin: “Khi phối hợp cùng hệ thống phòng không Israel, các tổ lái THAAD đã tiêu hao đạn dược ở mức đáng kinh ngạc, với hơn 150 quả tên lửa được phóng để bắn hạ các đợt tên lửa đạn đạo Iran”.
Tờ báo này dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết: “Nhu cầu về đạn đánh chặn cao đến mức Lầu Năm Góc đã cân nhắc việc điều chuyển số tên lửa THAAD đã bán cho Arab Saudi sang hệ thống tại Israel”.
Việc này rất nhạy cảm vì các thành phố và cơ sở dầu mỏ của Riyadh cũng được cho là nằm trong tầm ngắm của Iran trong suốt cuộc xung đột.
Về phần tên lửa SM-3, phiên bản Block IB có giá khoảng 12,5 triệu USD/quả, còn phiên bản Block IIA mới hơn lên tới 37 triệu USD, dù chi phí được kỳ vọng sẽ giảm khi sản xuất quy mô lớn hơn.
Hải quân Mỹ phóng tên lửa chống đạn đạo SM-6. Ảnh: MW.
Đợt tấn công tên lửa quy mô lớn của Iran nhằm đáp trả vụ Israel không kích lãnh thổ Iran ngày 13/6 là chưa từng có tiền lệ, và đã phơi bày những giới hạn của ngay cả các hệ thống phòng không đa tầng do nhiều quốc gia phối hợp triển khai.
Iran đã sử dụng tên lửa đa đầu đạn, gây khó khăn nghiêm trọng cho các hệ thống đánh chặn, cùng với đó là việc sử dụng một số tên lửa Fattah có khả năng bay lượn siêu thanh, khiến nhiệm vụ đánh chặn gần như bất khả thi.
Dù đã chi hơn 6 tỷ USD cho phòng không, các đợt tấn công của Iran vẫn gây thiệt hại lớn cho Israel: ít nhất 40 cơ sở hạ tầng chiến lược và 5 căn cứ quân sự chủ chốt trên khắp đất nước bị đánh trúng.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO sau đó, Tổng thống Donald Trump bình luận: “Đặc biệt là vài ngày cuối cùng, Israel đã bị đánh rất nặng. Mấy quả tên lửa đạn đạo ấy, chúng phá hủy rất nhiều tòa nhà”.
Các nhà phân tích cho rằng, mức độ thiệt hại nặng nề, kết hợp với chi phí phòng thủ không bền vững, là hai yếu tố then chốt khiến Israel và Mỹ chấp nhận ngừng bắn vào ngày 24/6.
Huyền Chi