Israel gặp thách thức nghiêm trọng nếu chiến tranh toàn diện với Hezbollah nổ ra

Israel gặp thách thức nghiêm trọng nếu chiến tranh toàn diện với Hezbollah nổ ra
3 giờ trướcBài gốc
Sau gần một năm chiến đấu với Hamas ở Gaza, Israel hiện đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng quân sự và khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt khi các hoạt động quân sự chống lại Hezbollah tại Lebanon gia tăng.
Cuộc chiến với Hamas đã gây áp lực lớn lên lực lượng vũ trang Israel, khiến nguồn nhân lực bị kéo căng trong khi nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề. Không chỉ đối mặt với những khó khăn này, nếu xung đột với Hezbollah tiếp tục leo thang, Israel sẽ phải đối đầu với một lực lượng mạnh mẽ và tinh vi hơn rất nhiều.
Hệ thống chống tên lửa Iron Dome của Israel hoạt động để đánh chặn khi tên lửa được phóng từ Lebanon hôm 21.9 - Ảnh: Reuters
Hezbollah mạnh hơn Hamas
Hezbollah, với sự hỗ trợ từ Iran, được coi là đối thủ mạnh hơn nhiều so với Hamas. Đây là một lực lượng có tổ chức và quân sự tinh vi hơn, sở hữu một kho tên lửa và rocket lớn, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Israel. Các chuyên gia quân sự ước tính Hezbollah có từ 30.000 - 50.000 quân, nhưng thủ lĩnh Hassan Nasrallah tuyên bố lực lượng của họ có thể lên đến hơn 100.000 quân dự bị. Kho vũ khí của Hezbollah cũng được cho là từ 120.000 - 200.000 tên lửa và rocket.
Trong một cuộc tấn công vào cuối tuần qua, Hezbollah đã sử dụng các loại tên lửa tầm xa mới để tấn công căn cứ không quân Ramat David của Israel. Điều này cho thấy khả năng quân sự của họ đã phát triển vượt trội kể từ cuộc chiến cuối cùng giữa hai bên vào năm 2006.
Quân đội Israel bị kéo căng
Quân đội Israel (IDF) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt khi chiến tranh ở Gaza vẫn chưa kết thúc. Để đối phó với mối đe dọa từ Hezbollah, IDF đã phải điều chuyển nhiều sư đoàn chủ lực từ Gaza đến biên giới phía bắc, bao gồm cả sư đoàn 98 tinh nhuệ. Tuy nhiên, điều này khiến quân đội Israel phải phân chia nguồn lực, làm suy giảm khả năng ứng phó linh hoạt trên cả hai mặt trận.
Ngoài ra, sự thiếu hụt quân số đang trở thành vấn đề lớn đối với quân đội Israel, đặc biệt là khi lực lượng dự bị lên tới gần 295.000 người - số lượng hiện vẫn không đủ để duy trì năng lực chiến đấu dài hạn. Điều này làm gia tăng sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Mỹ đặc biệt là về mặt đạn dược và vũ khí.
Nhiều chuyên gia cho cho rằng nếu chiến tranh toàn diện với Hezbollah nổ ra, Israel sẽ cần đến sự hỗ trợ lâu dài từ Washington để duy trì hoạt động quân sự trên cả hai mặt trận.
Tác động kinh tế
Ngoài áp lực quân sự, nền kinh tế của Israel đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Kể từ cuộc tấn công ngày 7.10 của Hamas, hàng nghìn doanh nghiệp tại Israel đã chịu thiệt hại lớn khi nhiều người dân phải gia nhập quân đội, và nền kinh tế suy giảm với tốc độ đáng lo ngại.
Nền kinh tế của Israel được dự báo sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2024, với chi phí quân sự tăng vọt. Cuộc chiến dự kiến sẽ khiến Israel thiệt hại lên tới 67 tỉ USD trong giai đoạn 2023 - 2025, tương đương 13% GDP của quốc gia này.
Việc xung đột leo thang với Hezbollah có thể gây thêm áp lực lớn lên nền kinh tế, đồng thời làm ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Israel. Trong một tuyên bố vào tháng trước, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã cảnh báo rằng một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah hoặc Iran có thể gây ra hậu quả tài chính nghiêm trọng, khiến việc vay nợ trở nên tốn kém hơn.
Tính hợp pháp và áp lực quốc tế
Nếu Israel mở rộng xung đột sang một mặt trận thứ hai với Hezbollah, các chuyên gia cho rằng nước này sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích gia tăng từ cộng đồng quốc tế.
Ban đầu, Israel nhận được sự đồng cảm sau cuộc tấn công của Hamas, nhưng các cuộc không kích tại Gaza đã làm dấy lên những cáo buộc về tội ác chiến tranh. Tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah có thể đẩy Israel vào tình trạng bị cô lập hơn trên trường quốc tế và đối mặt với các vụ kiện pháp lý tại các tòa án quốc tế.
Trong nước, dư luận Israel cũng đang chia rẽ về việc có nên tiếp tục chiến tranh với Hezbollah hay tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao. Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Dân chủ Israel công bố, 42% người Israel ủng hộ việc theo đuổi một thỏa thuận với Hezbollah, trong khi 38% cho rằng một chiến thắng quân sự là cần thiết.
Cuộc chiến với Hezbollah có thể đặt ra thách thức lớn nhất cho Israel kể từ khi xung đột với Hamas bắt đầu. Israel không chỉ phải đối phó với một đối thủ mạnh mẽ hơn, mà còn phải chịu áp lực từ tình hình kinh tế suy thoái và các thách thức quốc tế.
Mặc dù quân đội Israel có năng lực đối phó với cả hai mặt trận trong một thời gian nhất định, chi phí về quân sự, kinh tế và ngoại giao sẽ là gánh nặng lớn nếu một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah xảy ra. Bên cạnh đó, việc dựa vào sự hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì năng lực chiến đấu của Israel trong tình huống khó khăn này.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/israel-gap-thach-thuc-nghiem-trong-neu-chien-tranh-toan-dien-voi-hezbollah-no-ra-224210.html