Dòng tên lửa chống tăng đến Israel không chỉ nổi tiếng ở mức giá thành đắt đỏ, nhưng cũng mang trong thân nhiều công nghệ tích hợp hiện đại và đã được chứng minh hiệu quả trong thực chiến.
Vậy gia đình tên lửa chống tăng Spike có gì đặc biệt?
Spike là tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển do Công ty Rafael Advanced Systems của Israel nghiên cứu phát triển từ cuối thập niên 1980. Vấn đề này đã trở nên cấp thiết với sự ra đời của các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 có lớp giáp phức hợp và các biện pháp phòng vệ cứng và mềm khiến chúng trở nên khó bị tiêu diệt hơn.
Gian trưng bày của Công ty Rafael với tâm điểm là các phiên bản của tên lửa chống tăng Spike.
Các biến thể của "gia đình" tên lửa Spike.
Ngay từ khi ra mắt, Spike đã được Quân đội Israel sử dụng rộng rãi tại nhiều cuộc xung đột trong khu vực và nó liên tục được sửa đổi và nâng cấp để nâng cao hiệu quả tác chiến.
Sử dụng nguyên lý “bắn và quên”, Spike rất phù hợp với tác chiến hiện đại khi sự cơ động và hiệu quả tác chiến phụ thuộc nhiều vào đặc điểm của vũ khí, nhất là các loại trang bị mang vác của bộ binh. Đạn tên lửa Spike được cấu thành từ 3 phần chính là phần đầu tiên lửa (gắn thiết bị cảm biến lái dẫn); phần thân, mang đầu đạn kiểu nối tiếp (tandem) có khả năng tấn công các mục tiêu có trang bị giáp phản ứng nổ; cuối cùng là cơ cấu động cơ đẩy nhiên liệu rắn.
Nhờ trang bị các đầu đạn tích hợp xuyên giáp, nổ phá và nổ phá mảnh, tên lửa Spike có khả năng phá hủy nhiều loại mục tiêu khác nhau tùy theo loại đầu đạn được trang bị. Tên lửa cũng có thể tấn công trực tiếp hoặc các mục tiêu ở vị trí bị che khuất nhờ khả năng tấn công cầu vồng, đột nóc. Spike được thiết kế là vũ khí hỏa lực đa năng, đa nền tảng có thể trang bị tên các phương tiện hải-lục-không quân.
Gia đình tên lửa Spike hiện có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau. Các phiên bản tầm trung (MR), dài (LR), tăng tầm (ER) đều sử dụng phương thức lái dẫn quang - truyền hình chủ động, cho phép tối ưu hiệu quả và tầm bắn; tấn công đột nóc. Trong khi đó, phiên bản Spike tầm ngắn (SR) được thiết kế cho tác chiến đô thị, chuyên tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động, tầm bắn 50-1.500m, được trang bị đầu dò quang điện/hồng ngoại giúp kháng nhiễu và tăng xác xuất trúng mục tiêu. Cùng với đó, Công ty Rafael cũng cho ra mắt Spike mini để tấn công bộ binh đối phương ở khoảng cách tầm bắn 1,3-1,5km khi tác chiến trong đô thị. Phiên bản Spike này có thể phóng trong không gian kín mà không sợ luồng phản lực sát thương binh sĩ sử dụng vũ khí.
Module chiến đấu Samson được tích hợp các bệ phóng tên lửa Spike.
Hệ thống tên lửa Spike NLOS - phiên bản mới nhất của họ tên lửa Spike - có khả năng tấn công bất ngờ và uy lực cao, có vận tốc bay 180m/giây, tầm bắn đến 25km - là tên lửa chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới. Được lái dẫn bởi máy bay không người lái hoặc vệ tinh và thực hiện bằng hệ thống truyền lệnh quang - điện hai chiều, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm, nên tên lửa này có độ chính xác gần như tuyệt đối.
Với việc thử thành công tên lửa Spike NLOS gắn trên xe Tomcat tiêu diệt thành công mục tiêu giả định ở cự ly 25 - 30km với độ chính xác cao, Rafael đã tạo ra vũ khí tấn công chính xác cao lợi hại, cơ động cao. Sự nguy hiểm của Spike NLOS còn thể hiện ở chế độ tấn công tùy chỉnh - có thể được bắn theo nguyên tắc khóa và đeo bám mục tiêu tự động hoàn toàn, nhưng thế mạnh của tên lửa vẫn là khả năng tấn công ngoài tầm nhìn khiến đối phương bị bất ngờ và không kịp có biện pháp phòng thủ.
Đã có hàng chục nghìn tên lửa Spike được sản xuất và được sử dụng hiệu quả trong thực chiến. Theo con số thống kê của Công ty Rafael, gia đình tên lửa Spike hiện đang là chủng loại tên lửa có khả năng tác chiến hiệu quả nhất, được lắp đặt trên hơn 45 loại phương tiện chiến đấu khác nhau của quân đội 30 quốc gia. Hãng chế tạo Israel đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu dòng vũ khí chống tăng lợi hại này ra thị trường thế giới.
Tên lửa chống tăng Spike của Israel. Nguồn: qdnd.vn