Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết còi báo động không kích vang lên vào lúc 8h39 ngày 25/2 tại các khu định cư Haspin, Ramat Magshimim và Yonatan ở khu vực phía nam Cao nguyên Golan, lần đầu tiên kể từ tháng 11.
"Các tên lửa đánh chặn đã được phóng về hướng hai mục tiêu khả nghi trên không, tuy nhiên chúng tôi sau đó xác định đây là báo động nhầm và đang điều tra sự việc", IDF cho hay.
Cảnh báo không kích đã được kích hoạt ở khu định cư Avnei Eitan gần đó do lo ngại về khả năng mảnh vỡ từ tên lửa đánh chặn rơi xuống.
Lực lượng này không nói đã khai hỏa tổng cộng bao nhiêu quả đạn, song truyền thông Israel cho biết hai tên lửa đánh chặn Tamir của hệ thống phòng không Iron Dome đã được phóng lên bầu trời.
Israel không tiết lộ giá chính thức của đạn Tamir, song giới chuyên gia ước tính nó có giá 50.000-100.000 USD. Điều này đồng nghĩa họ đã tốn 100.000-200.000 USD vì báo động nhầm.
Trong số các tổ hợp phòng không tạo thành lưới lửa phòng thủ đa tầng của Israel có Iron Dome, loại vũ khí được coi là "Vòm sắt" bảo vệ cho người Do Thái.
Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems của Israel, "Vòm Sắt" có tỷ lệ thành công 90%.
"Vòm sắt" hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không.
Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.
Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định.
Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.
Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến.
Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Đạn tên lửa của hệ thống "Vòm sắt" có tầm tác chiến hiệu quả từ 4 km tới 79 km, với cơ chế dẫn đường đặc biệt nó có thể phá hủy ngay cả đạn pháo siêu tốc.
Khi radar phát hiện ra vật thể bay thù địch, hệ thống xe chỉ huy sẽ tính toán quỹ đạo bay và đưa ra tọa độ rơi của quả đạn.
Nếu quả đạn được xác định sẽ rơi đúng vào khu vực đông dân cư, tên lửa đánh chặn từ "Vòm sắt" được kích hoạt và tiêu diệt mục tiêu ngay còn khi đang bay trên không.
Một tổ hợp Iron Dome hoàn chỉnh có giá khoảng 50 triệu USD, gồm ba thành phần chính là radar cảnh giới và bám bắt mục tiêu, hệ thống quản lý tác chiến và điều khiển hỏa lực (BMC) và 3-4 bệ phóng đạn (MFU).
Mỹ tiếp tục đầu tư một khoản tiền cực lớn để giúp Israel nghiên cứu và tăng tầm bắn cũng như hiệu suất chiến đấu của tổ hợp "Vòm sắt".
Israel đang vận hành khoảng 20 hệ thống "Vòm sắt" và có thể biên chế thêm một số tổ hợp mới trong tương lai.
Việt Hùng
Theo Reuters, Ynet, AFP