Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz. Ảnh: EPA.
Động thái này được cho là bước đi sau đề xuất sở hữu Gaza của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với khu vực đang xảy ra chiến tranh này.
Katz tuyên bố kế hoạch sẽ phác thảo các phương án di tản bằng đường bộ cũng như các phương án đặc biệt cho các chuyến khởi hành bằng đường biển và đường hàng không.
“Tôi đã chỉ thị cho IDF chuẩn bị một kế hoạch cho phép người dân Gaza tự nguyện rời đi”, Katz nói và cho biết thêm họ có thể đến “bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận”.
Ông cho biết ông hoan nghênh “kế hoạch táo bạo của Donald Trump, có thể cho phép một lượng lớn dân số ở Gaza rời đi đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới”, theo hãng thông tấn Associated Press.
Katz nhấn mạnh vai trò của Hamas trong cuộc khủng hoảng hiện nay, tuyên bố tổ chức này sử dụng người dân Gaza làm lá chắn sống, nhúng cơ sở hạ tầng khủng bố vào các khu vực dân sự và hiện đang bắt người dân làm con tin, moi tiền thông qua thao túng viện trợ nhân đạo.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đề xuất sở hữu Gaza trong sự ngỡ ngàng của dư luận quốc tế tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 4/2.
Phản ứng trước đề xuất này, Liên hợp quốc cảnh báo bất kỳ hành động cưỡng bức di dời người Palestine nào cũng “tương đương với hành động thanh trừng sắc tộc”.
Phần lớn Gaza đã bị san phẳng bởi cuộc chiến kéo dài 15 tháng giữa Israel và Hamas. Ảnh: AFP.
Trong khi đó, người Palestine lo sợ sự kiện trục xuất hàng loạt năm 1948 sẽ lặp lại sau phát biểu của Donald Trump về Gaza.
Người Palestine gọi cuộc trục xuất năm 1948 của họ là Nakba, tiếng Ả Rập có nghĩa là thảm họa. Khoảng 700.000 người Palestine đã chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà trước và trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1948.
Sau chiến tranh, Israel từ chối cho phép họ trở về vì lo ngại dẫn đến việc người Palestine chiếm đa số. Thay vào đó, họ trở thành một cộng đồng tị nạn, hiện có khoảng 6 triệu người, hầu hết sống trong các trại tị nạn đô thị giống như khu ổ chuột ở Lebanon, Syria, Jordan và Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Việc Israel từ chối những gì người Palestine nói là quyền được trở về nhà của họ vào năm 1948 là nguyên nhân cốt lõi trong cuộc xung đột và là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Hiện nay, người Palestine đang lo sợ lịch sử đau thương của họ sẽ lặp lại ở quy mô thậm chí còn thảm khốc hơn.
TD