Mỹ và phương Tây bất ngờ “cứng rắn” với Israel
Trong suốt hơn 18 tháng giao tranh với Hamas, lần đầu tiên, Israel phải đối mặt với làn sóng chỉ trích công khai cũng như các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ từ những đồng minh thân cận nhất.
Từ Washington đến Paris, từ London đến Berlin, tiếng nói chỉ trích Tel Aviv ngày càng lan rộng. Trả lời báo chí cuối tuần trước tại New Jersey, Tổng thống Trump lên tiếng kêu gọi Israel nhanh chóng chấm dứt chiến sự tại Dải Gaza: “Chúng tôi đã nói chuyện với họ. Chúng tôi muốn dừng toàn bộ tình hình đó càng sớm càng tốt”.
Tuyên bố này đánh dấu bước ngoặt so với lập trường ban đầu của ông Trump hồi tháng 1/2025, khi còn kiên quyết quy trách nhiệm cho Hamas về sự kéo dài chiến sự, đồng thời giữ một mặt trận đoàn kết với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Không lâu sau đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người được biết đến với lập trường ủng hộ Israel cũng bất ngờ đổi giọng: “Tôi không còn hiểu được quân đội Israel đang làm gì ở Gaza và họ đang theo đuổi mục tiêu gì”. Ông Merz cũng nhấn mạnh rằng tác động mà chiến dịch quân sự này gây ra cho dân thường Gaza “đã vượt quá giới hạn có thể biện minh”.
Sự xoay chiều từ Berlin diễn ra không lâu sau một động thái tương tự của chính phủ Italy – một đồng minh thân cận khác của Israel.
“Ông Netanyahu phải ngừng các cuộc tấn công vào Gaza”, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao mới đây. “Chúng ta cần một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và Hamas phải trả tự do cho các con tin – những người cần được sơ tán khỏi Gaza”.
Các tuyên bố mang tính chỉ trích này xuất hiện nối tiếp sau một nỗ lực phối hợp từ Anh, Pháp và Canada – ba quốc gia đã từng mạnh mẽ ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023 do Hamas thực hiện. Trong một tuyên bố chung vào tuần trước, họ gọi hành động của Israel là “hoàn toàn không tương xứng” và cảnh báo sẽ có hậu quả cụ thể nếu nước này không thay đổi hướng đi.
Anh đã ngay lập tức đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại song phương với Israel, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người Palestine bị cáo buộc đứng sau các chiến dịch cưỡng ép người rời khỏi khu vực Bờ Tây. Đây được xem là một trong những phản ứng nghiêm khắc nhất mà London từng dành cho Israel kể từ khi chính phủ Anh ngừng phản đối lệnh bắt giữ quốc tế nhắm vào ông Netanyahu hồi năm ngoái.
Pháp hiện đang dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao mới dưới hình thức một hội nghị quốc tế về việc thành lập nhà nước Palestine, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 6 với sự hợp tác của Saudi Arabia. Động thái này đánh dấu một bước đi táo bạo trong bối cảnh căng thẳng leo thang, đặc biệt khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố rõ ràng rằng ông kiên quyết phản đối bất kỳ tiến trình nào dẫn tới sự ra đời của một nhà nước Palestine.
“Sau gần 2 năm giao tranh, Israel đã chạm đến điểm thấp nhất về mặt ngoại giao. Một số đồng minh thân thiết nhất của Israel, bao gồm Anh, Pháp và Canada đã tự mình đưa ra những cảnh báo trừng phạt nếu chiến sự tiếp tục”, nhà báo ngoại giao Itamar Eichner viết trên tờ Yediot Ahronot của Israel.
“Chưa từng có một tuyên bố tập thể nào như vậy. Và điều đáng lo ngại nhất: Mỹ, đồng minh vững chắc nhất của Israel, đã chọn cách im lặng trước những phản ứng từ phương Tây”, ông Eichner nhấn mạnh.
Israel thắt chặt vòng vây Hamas
Trong khi đó, Israel vẫn giữ lập trường cứng rắn. Trong bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Netanyahu cáo buộc Anh, Pháp và Canada “khuyến khích Hamas tiếp tục các động thái quân sự” và chỉ trích họ đã “chọn nhầm phe”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Gideon Saar tuyên bố Israel sẵn sàng tiến hành “các biện pháp đơn phương” nếu phải đối mặt với thêm các hành động chống lại nước này.
Giữa lúc giao tranh tiếp tục leo thang ở Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đưa toàn bộ con tin trở về, "dù sống hay đã chết". Phát biểu cứng rắn của ông Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh có tin các bên trung gian đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 70 ngày, theo đó Hamas sẽ thả 10 con tin người Israel để đổi lấy việc phóng thích một số tù nhân Palestine. Tuy nhiên, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff nhanh chóng bác bỏ thông tin rằng Hamas đã chấp thuận kế hoạch này, cho biết nhóm Hồi giáo vũ trang "đã không đồng ý với đề xuất" và gọi phản ứng của Hamas là "đáng thất vọng và hoàn toàn không thể chấp nhận".
“Cho dù không thể đạt được điều đó hôm nay, chúng ta sẽ đạt được vào ngày mai. Nếu không phải ngày mai, thì là ngày kia. Chúng ta sẽ không từ bỏ”, ông Netanyahu khẳng định, nhấn mạnh cam kết đưa tất cả con tin trở về nhưng không đề cập trực tiếp đến các đề xuất hòa giải đang được đàm phán.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Hamas ngày 26/5 lại cho biết nhóm này đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn do các bên trung gian đưa ra, bao gồm cả việc phóng thích 10 con tin Israel. Tuy nhiên, phía Mỹ phủ nhận điều này, làm dấy lên thêm nghi ngờ về tiến trình đàm phán vốn đang bế tắc.
Trên thực địa, chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Theo các quan chức quân sự, Israel hiện kiểm soát khoảng 40% lãnh thổ Gaza, với các cuộc không kích ngày 26/5 nhằm vào nhiều mục tiêu, trong đó có một trường học được cho là nơi ẩn náu của các tay súng.
Phía quân đội Israel xác nhận đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào "những phần tử khủng bố chủ chốt đang hoạt động trong một trung tâm chỉ huy và kiểm soát chung của Hamas và Jihad Hồi giáo", đồng thời cho biết đã “thực hiện nhiều bước để giảm thiểu thương vong dân sự”.
Tình hình nhân đạo ở Gaza
Chiến dịch quân sự mới nhất của Israel, được cho là nhằm tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas còn sót lại, đang vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, tình trạng nhân đạo tại Gaza ngày càng trầm trọng, các nguồn viện trợ bị phong tỏa nghiêm ngặt từ đầu tháng 3/2025, khiến người dân sinh sống trong khu vực này phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và thuốc men nghiêm trọng.
Dù lệnh phong tỏa lương thực kéo dài 80 ngày đã được dỡ bỏ gần đây và một số viện trợ đã bắt đầu được đưa vào Gaza, phần lớn trong số đó vẫn chưa đến tay những người cần nhất, theo cảnh báo từ các tổ chức cứu trợ. Đồng thời, chính phủ Israel đang thúc đẩy một kế hoạch phân phối lương thực gây tranh cãi mà các nhà quan sát cho rằng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng di dời dân cư, đặc biệt là đẩy người dân từ miền Bắc xuống miền Nam Gaza.
Theo COGAT – cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách điều phối các vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ Palestine, 170 xe tải viện trợ nhân đạo, chở theo thực phẩm, thiết bị y tế và thuốc men, đã được phép vào Gaza trong ngày 26/5. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng con số này vẫn quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế của hàng triệu cư dân đang sống trong vùng chiến sự Gaza.
Mặc dù có dấu hiệu nới lỏng, Israel vẫn duy trì kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động viện trợ, trong khi chiến sự không ngừng đã gần như khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Gaza tê liệt hoàn toàn. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc ngày 26/5, chỉ còn khoảng 5% diện tích đất nông nghiệp ở Gaza là còn có thể canh tác, đẩy tình trạng mất an ninh lương thực lên mức báo động đỏ.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng báo động về tình trạng y tế thảm khốc tại Dải Gaza. Bà Hanan Balkhy, Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO, cho biết không một xe tải nào của WHO chở hàng viện trợ y tế được phép vào Gaza kể từ khi Israel tái lập phong tỏa toàn diện.
"Đã hơn 11 tuần trôi qua, không một chuyến hàng nào của WHO được tiếp cận người dân cần chăm sóc y tế tại đây. Tình hình đang ở mức thảm họa”, bà Balkhy nói.
Tính đến 26/5, Bộ Y tế tại Gaza do Hamas điều hành thông báo đã có ít nhất 3.822 người thiệt mạng kể từ khi lệnh ngừng bắn đổ vỡ vào ngày 18/3. Tổng số thương vong kể từ đầu cuộc chiến hiện đã lên đến 53.977 người, trong đó phần lớn là dân thường.
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo The New Zealand Herald, The New York Times