Chiều 24/4, Đại sứ quán Israel và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội lễ tưởng niệm trọng thể dành cho những nạn nhân của họa diệt chủng Holocaust. Sự kiện này cũng tôn vinh những người mà phía Israel gọi là “người dân ngoại công chính” - danh xưng của Israel dùng để chỉ những con người không thuộc dân tộc Do Thái nhưng đã mạo hiểm sinh mệnh của chính mình để bảo vệ, cưu mang người Do Thái trước đại họa diệt chủng nói trên.
Buổi lễ tưởng niệm Holocaust và vinh danh người cứu nạn nhân Holocaust, tổ chức tại Hà Nội vào chiều 24/4 (ảnh do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cung cấp).
Holocaust nghĩa đen là “thiêu đốt toàn bộ”, tiếng Hebrew thì gọi đây là Shoah, nghĩa là “thảm họa lớn”. Holocaust là cuộc diệt chủng quy mô lớn và có hệ thống do phát xít Đức và đồng minh của chúng tiến hành từ năm 1941-1945, khiến khoảng 6 triệu người Do Thái thiệt mạng chỉ vì sắc tộc hoặc niềm tin tôn giáo của họ.
Do tính chất đặc biệt của thảm kịch này, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 27/1 làm Ngày Quốc tế Tưởng niệm các nạn nhân Holocaust, còn Israel lấy ngày 24/4 làm Ngày Tưởng niệm Holocaust.
Lễ tưởng niệm và tôn vinh năm nay tại Hà Nội có sự tham gia của Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer, Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth, Trưởng Văn phòng Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc Shin Umezu, cộng đồng ngoại giao và các sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Israel Yaron Mayer phát biểu tại buổi lễ (ảnh do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam cung cấp).
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Israel Mayer nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn tôn vinh chủ nghĩa anh hùng - những hành động của hàng ngàn con người đã chấp nhận rủi ro lớn để bảo vệ và cứu sống người Do Thái theo những cách thức vượt qua cả khả năng của họ. Yad Vashem (Trung tâm Tưởng nhớ Holocaust thế giới của Israel) đã vinh danh họ bằng danh xưng cao quý “người dân ngoại công chính” (hay còn gọi là “nghĩa nhân quốc tế”). Tính đến hôm nay, có khoảng 30.000 người như vậy, thuộc 50 quốc tịch khác nhau, trong đó có cả Việt Nam”.
Đức Quốc xã bị đánh bại cách đây đúng 80 năm. Nhưng khoảng 6 triệu người Do Thái từ trước đó đã bị lực lượng phát xít thảm sát không thương tiếc, với những tổn thương hằn sâu tới tận ngày nay.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Mayer cho biết, nhiều người thân trong dòng họ của chính ông đã bị đưa vào Auschwitz - Trại tập trung và hủy diệt khét tiếng do phát xít Đức dựng lên tại Ba Lan.
Đại sứ Israel cho rằng chủ nghĩa bài Do Thái vẫn còn hiện hữu đến tận ngày nay và do vậy để ngăn ngừa thảm họa Holocaust tái diễn, cần phải nâng cao nhận thức và tăng cường công tác giáo dục về vấn đề này thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Trong khuôn khổ buổi lễ, 6 sinh viên Việt Nam đã thắp nến tưởng niệm 6 nạn nhân Do Thái trong Holocaust. Ban tổ chức cũng trình chiếu bộ phim tài liệu về Wilfrid Israel - một doanh nhân đã cứu hàng chục nghìn người Do Thái khỏi cuộc sát hại của Đức Quốc xã.
Trung Hiếu/VOV.VN