Israel và LHQ leo thang căng thẳng, người dân Gaza khổ chồng khổ

Israel và LHQ leo thang căng thẳng, người dân Gaza khổ chồng khổ
5 giờ trướcBài gốc
Cuối tháng 10, quốc hội Israel (Knesset) đã thông qua 2 luật nhằm cấm Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động ở Israel, cấm chính quyền Israel liên hệ với UNRWA, hạn chế các hoạt động của UNRWA tại Dải Gaza và Bờ Tây. Theo tờ The Times of Israel, luật đầu tiên được thông qua với tỉ lệ 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, luật thứ hai được thông qua với 87 phiếu thuận và 9 phiếu chống.
Hai luật này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ khi được thông qua. Điều này đồng nghĩa việc đi ngược lại Hiệp ước năm 1967 về việc cho phép UNRWA cung cấp dịch vụ cho người tị nạn Palestine tại các khu vực Israel có ảnh hưởng.
Theo luật được công bố, mọi liên lạc giữa quan chức Israel và UNRWA sẽ tạm dừng trong 3 tháng, kể từ ngày 4-11. Theo luật, Hiệp ước năm 1967 sẽ hết hạn trong vòng 7 ngày kể từ ngày luật được thông qua. Ngoại trưởng Israel cũng đã thông báo cho LHQ về luật này.
Sau khi luật đầu tiên được thông qua, ông Boaz Bismuth – thành viên đảng Likud của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và là người soạn thảo luật – cho biết: “Bất cứ ai hành động như một kẻ khủng bố đều không có quyền hoạt động ở Israel. UNRWA cũng giống như Hamas”.
Người dân ở TP Gaza (bắc Gaza) nhận hàng viện trợ từ UNRWA vào tháng 8. Ảnh: AFP
Động thái này được tiến hành bất chấp sự phản đối gay gắt từ các thành viên Ả Rập của Knesset và các nước phương Tây.
Theo đài CNN, điều này sẽ có tác động to lớn đến hoạt động hỗ trợ những người Palestine bị ảnh hưởng, bao gồm người dân Gaza vốn đã gặp nhiều khó khăn sau hơn 1 năm xung đột.
Vai trò quan trọng của UNRWA?
UNRWA được LHQ thành lập vào năm 1949, 1 năm sau khi nhà nước Israel ra đời. Cơ quan này bắt đầu hoạt động vào năm 1950 khi hỗ trợ khoảng 750.000 người tị nạn Palestine.
Hiện nay, UNRWA hỗ trợ khoảng 5,9 triệu dân Gaza người trên khắp Trung Đông. Nhiều người trong số họ sống trong các trại tị nạn ở Gaza, Bờ Tây, Đông Jerusalem, cũng như Lebanon, Jordan và Syria.
Cơ quan này cung cấp nhiều loại viện trợ và dịch vụ hỗ trợ, bao gồm nơi trú ẩn, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và giáo dục cho người tị nạn Palestine và những người liên quan. Người Palestine cũng chiếm phần lớn trong số hơn 30.000 nhân viên của cơ quan này trên khắp Trung Đông và văn phòng đại diện tại New York (Mỹ), Geneva (Thụy Sĩ) và Brussels (Bỉ).
Chỉ riêng tại Gaza, UNRWA có hơn 13.000 nhân viên. Tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, cơ quan này có gần 4.000 nhân viên.
UNRWA là nhóm viện trợ nhân đạo chính ở Gaza. Gần 2 triệu người dân Gaza phụ thuộc vào cơ quan này và 1 triệu người dân Gaza sử dụng nơi trú ẩn của UNRWA. Cùng với Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, UNRWA xử lý hầu hết mọi hoạt động phân phối viện trợ của LHQ đến khu vực này. Cơ quan này có 11 trung tâm phân phối thực phẩm cho 1 triệu người ở Gaza.
Cơ quan này cũng đã giúp triển khai chiến dịch tiêm vaccine bại liệt khẩn cấp ở Gaza, cùng với các cơ quan khác của LHQ.
Tại Bờ Tây, UNRWA cung cấp dịch vụ cho 19 trại tị nạn, hơn 90 trường học và một số dịch vụ y tế, bao gồm cả chăm sóc trước khi sinh. Theo website của UNRWA, cơ quan này phân phối nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản, các khoản vay, cũng như các khoản trợ cấp tiền mặt khẩn cấp và nơi trú ẩn cho những đối tượng cần được hỗ trợ.
UNRWA là cơ quan duy nhất của LHQ hướng đến hỗ trợ một nhóm người tị nạn cụ thể ở những khu vực cụ thể. Mặc dù mục đích của cơ quan này là hỗ trợ người tị nạn Palestine, nhưng UNRWA không có nhiệm vụ tái định cư cho họ.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) là cơ quan LHQ có nhiệm vụ tái định cư cho người tị nạn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cơ quan này không mở rộng đến các khu vực mà UNRWA hoạt động.
Một trường học do UNRWA vận hành ở TP Gaza sau khi bị Israel đánh bom vào tháng 6. Ảnh: AFP
Tác động to lớn
Đầu tháng 10, Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định: "giữa tất cả biến động, UNRWA hơn bao giờ hết là không thể thiếu và không thể thay thế".
Tổng thư ký LHQ cho biết ông đã gửi một lá thư cho ông Benjamin Netanyahu và cảnh báo rằng luật cấm UNRWA sẽ "làm nghẹt những nỗ lực giảm bớt đau khổ, căng thẳng của người dân Gaza và thực tế là toàn bộ Gaza".
"Đó sẽ là một thảm họa" – ông Guterres nói.
Tuy nhiên, theo CNN, lời kêu gọi của ông dường như đã bị bỏ ngoài tai. Israel đã thông qua luật cấm UNRWA. Thậm chí, trước đó nước này còn tuyên bố Tổng thư ký LHQ là người không được chào đón (persona-non-grata).
Trong bối cảnh Israel thông qua luật cấm UNRWA, các nhà quan sát cho biết chưa rõ cơ quan nào sẽ thay thế UNRWA để đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ cho hàng triệu người tị nạn Palestine. Trước đây, Israel đã kêu gọi sáp nhập vai trò của UNRWA với UNHCR.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, lệnh cấm sẽ khiến UNRWA không thể hoạt động và sẽ để lại "khoảng trống mà Israel sẽ phải chịu trách nhiệm lấp đầy".
Ông Aida Touma-Suleiman – chính trị gia Israel gốc Ả Rập và là thành viên của đảng Hadash tại Israel cho rằng: “Các luật này xuất phát từ tham vọng lâu đời của phe cánh hữu Israel đó là tước bỏ tư cách của người tị nạn Palestine. Trên thực tế, Israel đang tạo ra những người tị nạn mới mỗi ngày".
Đối với người dân Gaza, việc UNRWA bị hạn chế hoạt động tại Gaza có thể khiến đời sống của họ thêm khốn đốn.
Vào tháng 9, báo cáo của Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của LHQ – tổ chức theo dõi tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới – phát hiện ra rằng toàn bộ Dải Gaza đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp. Hơn 133.000 người dân Gaza đang phải chịu nạn đói.
Nhân viên UNRWA hoạt động ở Bờ Tây vào tháng 1. Ảnh: REUTERS
Tình trạng suy dinh dưỡng khiến người dân dễ mắc bệnh hơn, bao gồm các bệnh lây truyền qua đường nước như bại liệt. Nếu giao tranh tiếp diễn và viện trợ nhân đạo tiếp tục bị hạn chế, IPC dự đoán nạn đói có thể xảy ra trên diện rộng vào những tháng mùa đông.
Theo trang tin Vox, trong những tháng gần đây, số lô hàng viện trợ được chuyển đến Gaza là rất ít. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP), tháng 9 là tháng có khối lượng hàng hóa được chuyển đến thấp nhất kể từ tháng 3, khiến một nửa dân số Gaza có nguy cơ rơi vào nạn đói nghiêm trọng.
Tình trạng này không phải vì WFP không có viện trợ. WFP có đủ lương thực để nuôi 1 triệu người trong 4 tháng và sẵn sàng đưa vào Gaza. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết họ cần Israel mở thêm nhiều cửa khẩu biên giới để cho chuyến hàng đó vào Gaza.
KHOA ĐIỀM
Nguồn PLO : https://plo.vn/israel-va-lhq-leo-thang-cang-thang-nguoi-dan-gaza-kho-chong-kho-post817880.html