Istanbul - một thủ đô mở cửa cho cả thế giới

Istanbul - một thủ đô mở cửa cho cả thế giới
12 giờ trướcBài gốc
Dòng người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, không ngừng đổ về này đã mang lại cho thủ đô của thế kỷ XVI một hương vị quốc tế. Vào thời Suleiman, Đế quốc Ottoman, với hệ thống chính trị đồng nhất, chặt chẽ và mang tính tập trung cao độ, là đế chế mang tầm cỡ quốc tế thực sự duy nhất; trong khi đế chế của Charles V chỉ là một công trình kiến trúc triều đại mong manh, được giữ vững chỉ bởi quyền lực của người đứng đầu mà thôi.
Istanbul cũng là thủ đô duy nhất vào thời điểm đó thực sự mở cửa với thế giới. Các nhóm dân cư đa dạng nhất đã đến tị nạn ở đó, sinh sống và làm việc: người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha, thương nhân và thủy thủ Hy Lạp, người Ả Rập, người Sudan và thậm chí cả người Công giáo ham mê phiêu lưu hoặc bị buộc phải rời khỏi quê hương. Mọi người đều sống ở đó, hưởng phúc hoặc gánh họa dưới sự bảo vệ của nền Hòa bình Ottoman; miễn là họ không gây rắc rối và nộp thuế đầy đủ thì họ sẽ được yên thân.
Tranh vẽ thành phố Istanbul cổ xưa. Ảnh: Istanbul.com.
Tất cả cư dân đều được lập thành các nhóm theo nguồn gốc dân tộc hoặc tôn giáo của họ. Người Công giáo (người “Frank”) sống ở Pera và Galata, người Armenia gần Marmara và ở Sulu Monastir lẫn Samatya, người Hy Lạp ở Fener và Galata trên eo biển Bosphorus, người Do Thái thì sống dọc theo Golden Horn. Khu kiều dân Armenia rộng lớn có một dạng độc quyền trong hoạt động thương mại quá cảnh giữa Iran với phương Tây.
Từng bước, họ đã chiếm các vị trí trên tuyến đường từ Ba Tư đến Istanbul và hiện tại cư trú tại thủ đô, nơi họ bắt đầu giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính. Người Hy Lạp, đã bị loại bỏ ít nhiều sau cuộc chinh phạt, giờ ào ạt quay trở lại và tạo thành một cộng đồng thậm chí còn lớn hơn. Họ làm nghề buôn bán nhỏ và chủ cửa hàng hoặc tìm kiếm kế sinh nhai trên biển và thống trị cả hoạt động thương mại ở Đông Địa Trung Hải.
Một số người rất giàu có và chiếm giữ những vị trí quan trọng vào thời Suleiman. Yunis Bey, Thông dịch viên của ông, có cấp bậc tương đương với đại sứ và nhiều lần giữ vai trò này. Người Do Thái chủ yếu làm việc trong lĩnh vực thương mại và ngân hàng với tư cách người đổi tiền, trung gian và môi giới.
Vào thế kỷ XVI, họ thành lập “nhóm thiểu số” được coi trọng nhất trong cung điện. Cũng như ba nhóm người nhập cư không theo đạo Hồi chính này, gọi là “dhimmi”, các dân tộc khác di cư đến thủ đô từ khắp mọi nơi: người Albania (làm nghề bán hàng lưu động và thợ lát đường), một vài người trong số họ đã giành được những vị trí quan trọng trong đế chế vào thế kỷ tiếp theo (có hai người đã trở thành Đại Tể tướng); người Tzigane (người làm đồ dùng bằng sắt và biểu diễn xiếc gấu); người Iran buôn bán tơ lụa từ quê hương của họ; người Ai Cập và người Syria (thợ xây và thợ làm gốm); người Moldova, người Wallachia và người Serbia, thợ làm pho mát hoặc pastirma (thịt sấy có ướp gia vị).
Không có sự thù địch nào giữa người Ottoman với những người ngoại đạo. Các cuộc tàn sát pogrom không tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới triều đại của các quốc vương sultan. Họ là một hình mẫu về đức tính khoan dung hiếm thấy ở các quốc gia theo đạo Cơ đốc vào thời điểm đó.
Các vụ việc va chạm xảy ra giữa người Thổ và các nhóm người thiểu số là do những cá nhân đơn lẻ hoặc các quan chức vô đạo đức gây ra, chứ chưa bao giờ do đám đông thù địch hoặc bài ngoại và càng không phải từ chính quyền. Đại đa số người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo có chung lối sống khiêm tốn và đối mặt với những khó khăn giống nhau, sống tập trung xung quanh nhà thờ Cơ đốc, nhà thờ đạo Hồi hoặc giáo đường Do Thái của riêng họ.
Những người không theo đạo Hồi - chiếm 40% dân số thị trấn - chủ yếu là người theo đạo Cơ đốc: Chính thống giáo Hy Lạp, người Armenia và rất ít người Công giáo. Hai cộng đồng lớn chiếm gần 30% tổng dân số, trong khi người Do Thái chỉ chiếm 10%.
Họ được nhóm lại thành các dân tộc (millet), mỗi dân tộc được quản lý bởi một thủ lĩnh tôn giáo được quốc vương Ottoman chính thức công nhận và chịu trách nhiệm về những người đồng đạo của mình trước chính phủ Ottoman. Cộng đồng chính, Chính thống giáo Hy Lạp - Rum milleti (có nghĩa là “La Mã” hoặc Byzantine) - được lãnh đạo bởi thượng phụ, một nhân vật quan trọng có cấp bậc “pasha ba đuôi” và thẩm quyền phán xét với tất cả người Chính thống giáo Hy Lạp của đế quốc.
Người Do Thái cũng thành lập một millet dưới quyền của Haham Başi hay giáo sĩ trưởng, người được hưởng những đặc quyền giống như thượng phụ. Điều tương tự cũng áp dụng với những người Armenia theo đạo Gregoria, mà thủ lĩnh Công giáo (catholicos) của họ lạ thay lại được trao quyền quản lý tất cả thần dân không thuộc các cộng đồng chính của Quốc vương Ottoman: người Công giáo, người Nestoria và người Jacobite.
Một trong những chức năng chính của những người lãnh đạo cộng đồng là tăng thuế thân (ciziye) mà tất cả những người ngoại đạo (trừ những người có chức vụ chính thức như ngự y trong cung điện) phải nộp cho quốc vương. Mỗi millet có trách nhiệm nộp một số tiền đã thỏa thuận mà thượng phụ, giáo sĩ trưởng và thủ lĩnh Công giáo chịu trách nhiệm thu thập và cống nộp vào kho bạc.
Chỉ những nam giới trưởng thành có khả năng tự chu cấp cho nhu cầu bản thân mới phải có bổn phận cống nạp. Bên cạnh nhóm người không theo đạo Hồi, người Thổ có số lượng đông đảo nhất. Chính họ đã mang lại cho thủ đô bầu không khí của một thị trấn Hồi giáo lớn. Họ đến cùng lúc với những cộng đồng thiểu số, chủ yếu từ Tiểu Á.
Trong những thập kỷ sau cuộc chinh phạt và vào thế kỷ XVI, họ tiếp tục lấp đầy những khoảng trống và những ngôi nhà gỗ một tầng trên nền đá hoặc cấu trúc gỗ lấp đầy bằng đất nện, hầu như không thay đổi qua nhiều thế kỷ và vẫn mang nét đặc trưng của Istanbul xưa cũ cách đây chưa đầy hai mươi năm.
Sau cuộc chinh phạt, chỉ còn lại các bể chứa nước, cống dẫn nước và thoát nước của thị trấn Byzantine cũ, và đáng lẽ ra người Thổ đã có thể xây dựng một thủ đô mới lộng lẫy. Tuy nhiên, họ đã không làm vậy. Liệu đây có phải là kết cục của những thói quen du mục tồn tại lâu dài trong quá khứ hay không? Có phải đó là một biểu hiện khinh thường của người Hồi giáo đối với những thứ của thế giới phù du này không?
Dù lý do là gì đi nữa, thì họ cũng đã xây dựng những ngôi nhà chỉ tồn tại được trong một đời người - chỉ những ngôi nhà nào dành cho Chúa mới được cho xây vĩnh cửu, giống như chính Chúa vậy.
André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/istanbul-mot-thu-do-mo-cua-cho-ca-the-gioi-post1533003.html