Italy siết chặt quyền xin quốc tịch diện huyết thống. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn nội dung luật sửa đổi, được thông qua ngày 20/5, cho biết luật mới chỉ cho phép những người có cha mẹ hoặc ông bà là công dân Italy được nộp hồ sơ xin quốc tịch theo diện huyết thống. Theo luật quốc tịch cũ, bất kỳ ai có tổ tiên là người Italy, sống sau ngày 17/3/1861 - thời điểm Vương quốc Italy được thành lập - đều đủ điều kiện trở thành công dân theo theo diện huyết thống.
Quy định mới được cho là sẽ ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người gốc Italy trên toàn thế giới, đặc biệt là những người đã đầu tư thời gian và tiền bạc để thu thập giấy tờ chứng minh nguồn gốc tổ tiên đến 4 đời.
Những người không còn đủ điều kiện theo diện huyết thống sẽ buộc phải chuyển sang con đường xin quốc tịch theo diện cư trú hợp pháp - một quy trình phức tạp hơn. Hiện tại, công dân không thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải cư trú hợp pháp tại Italy trong ít nhất 10 năm trước khi đủ điều kiện xin nhập quốc tịch. Họ phải chứng minh thu nhập ổn định, tối thiểu là 9.360 USD (8.263,31 euro)/năm nếu không có con, hoặc 12.870 USD (11.362,05 euro)/năm nếu có con, cộng thêm 585 USD (516 euro) cho mỗi người con, không có án tích tại tất cả các quốc gia từng sinh sống, và vượt qua kỳ thi ngôn ngữ tiếng Italy trình độ B1.
Ngoài ra, vào ngày 8-9/6 tới, cử tri Italy sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định việc rút ngắn thời gian cư trú cần thiết để xin quốc tịch từ 10 năm xuống còn 5 năm. Trong trường hợp thất bại, một đề xuất trưng cầu khác có thể được đưa ra, theo hướng siết chặt hơn, nâng thời gian cư trú bắt buộc lên 12 năm.
Chính phủ Italy cho biết mục tiêu của luật quốc tịch sửa đổi là "tăng cường" mối liên hệ giữa Italy và công dân ở nước ngoài, tránh lạm dụng và thương mại hóa hộ chiếu, đồng thời giải phóng nguồn lực để giải quyết các đơn xin tồn đọng.
Theo các số liệu chính thức, trong giai đoạn 2014-2024, số lượng công dân Italy cư trú ở nước ngoài đã tăng 40%, từ khoảng 4,6 triệu lên 6,4 triệu người. Tính đến cuối tháng 3/2025, khi chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đưa ra luật, có hơn 60.000 thủ tục pháp lý đang chờ xử lý để xác minh quyền công dân.
Việc thay đổi chính sách quốc tịch lần này phản ánh xu hướng thắt chặt nhập cư của chính quyền Thủ tướng Meloni, bất chấp bối cảnh dân số Italy đang già hóa nhanh và lực lượng lao động suy giảm. Theo Bộ Nội vụ Italy, có tới 80 triệu người trên thế giới có nguồn gốc Italy.
Dương Hoa/vnanet.vn