Nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Shuo Huang từ Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản đã sử dụng dữ liệu từ các đài quan sát không gian lẫn mặt đất cực mạnh như James Webb, Chandra và ALMA để tìm hiểu cấu trúc chi tiết của J0107a.
Thiên hà J0107a trong vũ trụ sơ khai có cấu trúc hiện đại, được chụp bởi kính viễn vọng James Webb và ALMA. (Ảnh: NASA)
Theo nhóm nghiên cứu, J0107a có cấu trúc xoắn ốc với một thanh thẳng gồm các ngôi sao và khí chạy qua trung tâm - tương tự như Dải Ngân Hà. Tuy nhiên, thiên hà này tạo ra sao với tốc độ nhanh hơn 300 lần và chứa lượng khí nhiều hơn đáng kể so với các thiên hà hiện đại, dù kích thước nhỏ gọn hơn.
Điểm bất ngờ là J0107a không có dấu hiệu va chạm thiên hà - vốn thường liên quan đến những thiên hà tạo sao nhanh ở vũ trụ hiện nay. Cấu trúc ổn định và thanh sao dài khoảng 50.000 năm ánh sáng khiến giới khoa học phải xem xét lại các giả thuyết về sự hình thành cấu trúc thiên hà.
Phát hiện này góp thêm bằng chứng cho thấy tốc độ phát triển của mọi thứ trong vũ trụ sơ khai có thể nhanh hơn chúng ta tưởng.
Hầu hết các lý thuyết về sự hình thành thiên hà bắt đầu từ 1 tỷ đến 2 tỷ năm sau sự sống của vũ trụ, vào thời điểm đó những cụm sao sớm nhất được cho là đã biến thành các thiên hà lùn. Các thiên hà lùn này sau đó bắt đầu ăn lẫn nhau, gây ra một loạt các vụ sáp nhập thiên hà đầy bạo lực (sau 10 tỷ năm) dẫn đến các thiên hà lớn như thiên hà của chúng ta.
TheoScience Alert,J0107a là một thiên hà xoắn ốc lớn tuyệt đẹp với tổng khối lượng sao bằng 450 tỉ khối lượng Mặt Trời và đang tiếp tục hình thành sao mạnh mẽ với tốc độ 500 khối lượng Mặt Trời mỗi năm.
THU THẢO