Thái tử Jordan đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam sang thị trường Trung Đông.
Trong cuộc gặp, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục và đẩy mạnh trao đổi sản phẩm chủ lực, như nông sản, thủy sản, giày dép, dệt may và điện tử.
Trước đó, trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chứng kiến ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Đặc biệt, với những ưu đãi hấp dẫn từ CEPA, cánh cửa cho các sản phẩm Halal Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông đang rộng mở, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư DDA Việt Nam, doanh nghiệp đang hoàn thiện giấy phép Halal để xuất khẩu sản phẩm sang Trung Đông cho biết, đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi đây là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng Halal.
"Nếu sản phẩm của chúng tôi đạt tiêu chuẩn trong nước và đáp ứng các tiêu chuẩn Halal, chúng tôi hy vọng có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường Trung Đông lại khá đặc thù nên doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng sẽ gặp phải những rào cản nhất định", bà Nguyệt nói.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn trong nước và đáp ứng các tiêu chuẩn Halal, mong muốn có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên VnBusiness, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam, cho hay, người Hồi giáo sử dụng những thực phẩm có chứng nhận halal (sử dụng vì Đức tin và tính toàn vẹn halal của sản phẩm). Sản phẩm được sản xuất phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.
Đặc biệt, không có tiêu chuẩn Halal thống nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dường như tuân theo các tiêu chuẩn Halal của họ và không nhất thiết phải tương thích với tiêu chuẩn của các quốc gia khác. Do đó, để đáp ứng thị trường Halal, doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận halal, Non -GMO. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về văn hóa của Islam để tiếp cận thị trường thuận lợi. Đặc biệt, chúng ta cần có sự chuẩn bị để bán thứ khách hàng cần chứ không phải là bán thứ mình có.
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nói rằng, để xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang thị trường Halal, doanh nghiệp phải có chứng chỉ Halal. Hiện nay, các chứng nhận Halal cũng rất đa dạng, với yêu cầu riêng của từng thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo, dẫn tới tâm lý e ngại, cũng như chưa đầu tư bài bản cho sản phẩm để tạo được thương hiệu mạnh... Đây chính là "rào cản" cần vượt qua để tiếp cận, khai thác thị trường to lớn này.
Để hiện thực hóa các cam kết trong CEPA, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết thực thi CEPA và phổ biến nội dung, tác động dự kiến của Hiệp định đến các đối tượng có liên quan.
Bên cạnh việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với CEPA, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Theo Bộ Công Thương, thị trường Halal toàn cầu có quy mô hơn 2 tỷ người và ghi nhận tăng trưởng hằng năm 20-30%. Tổng giá trị thương mại toàn cầu của các sản phẩm Halal năm 2022 đạt khoảng 2.300 tỷ USD.
Dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu. Do đó dự báo, nền kinh tế Halal có thể đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 10.000 tỷ USD trước năm 2030. Đặc biệt, khu vực Trung Đông có dân số theo đạo Hồi rất lớn, chiếm 25% toàn thế giới, nên đây là thị trường rất tiềm năng cho hàng Halal xuất khẩu của Việt Nam.
Hồng Hương