K8 - dấu ấn tình người

K8 - dấu ấn tình người
6 giờ trướcBài gốc
GS, TS Nguyễn Anh Trí là người có nhiều tâm huyết trong ngành huyết học-truyền máu, phong trào hiến máu nhân đạo với những dấu ấn như: Hành trình đỏ, Lễ hội Xuân hồng hay các công trình y học-ghép tế bào gốc... Nghỉ hưu đã mấy năm nay nhưng GS Nguyễn Anh Trí chưa hề "nghỉ việc" một ngày nào. Ông là đại biểu Quốc hội uy tín với mong muốn đem hết sức mình để cống hiến cho cộng đồng và xây dựng đất nước. Hiện nay, ngoài công tác chuyên môn ở Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, ông vẫn tham gia đào tạo ở các nhà trường và nghiên cứu khoa học. Ông viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc với nhiều tập thơ và gần 100 ca khúc đã được xuất bản...
GS, TS Nguyễn Anh Trí tại phòng làm việc.
Thế nhưng, ít người biết ông xuất thân trong một gia đình nghèo, cha ông là bộ đội, y sĩ trong kháng chiến chống Pháp, từng có những trải nghiệm tuổi thơ không thể nào quên, là động lực để vươn lên trong cuộc sống. Và lý do đưa ông đến với nghề y chính là từ việc ông nhận được sự chăm sóc tận tình và lời động viên “sau này làm bác sĩ cứu người" của các y, bác sĩ ở Bệnh viện huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong một trận ốm “thập tử nhất sinh” năm 18 tuổi.
Năm 1966, quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình của ông ngập trong khói lửa đạn bom. Mọi hoạt động đều ngừng trệ vì sự đánh phá của giặc Mỹ. Một buổi tối, cậu bé 9 tuổi Anh Trí được ba thông báo sẽ đi K8. Mấy ngày sau, cậu mới được biết đây là chủ trương của Đảng và Bác Hồ chọn con em của các gia đình có công với cách mạng (ba cậu là thương binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp) và học giỏi đưa ra Thanh Hóa sống và học tập.
Cậu bé Nguyễn Anh Trí khi ấy rất háo hức, bởi nghĩ sẽ được hành quân như các chú bộ đội, được đến những miền quê xa, gặp những bạn bè mới. “Tôi rời nhà lúc nhá nhem tối, với một cái túi dết tư trang, xuống đò cùng những người bạn tầm tuổi mình. Trên đường đi, đò có đi qua sau lưng nhà, dù trong lòng có đôi chút quyến luyến nhưng tôi lại mong đò đi thật nhanh và không gặp phải máy bay địch vì mấy chuyến trước đó đã phải quay về do bị máy bay địch bắn phá”. Cậu bé Nguyễn Anh Trí đã bước vào cuộc “vạn lý trường chinh” từ Quảng Bình đi Thanh Hóa mất hơn 3 tháng, vượt qua mưa bom, bão đạn với suy nghĩ vô tư như vậy.
GS, TS Nguyễn Anh Trí (bên trái) thăm lại bến sông Chu.
Đoàn thiếu nhi K8 có đến hàng trăm cháu, lớn tuổi tầm 12-13 tuổi, nhỏ tuổi tầm 5-6 tuổi, thường được chia thành các nhóm 20-30 cháu. Mỗi nhóm lại có hai đến ba thanh niên hoặc các thầy, cô giáo đi theo dẫn đường. "Đó là những người rất nhanh nhẹn, tháo vát, có người hát hay, hò giỏi, có người lại kể chuyện rất hấp dẫn. Họ thường ăn mặc gọn gàng, đội mũ tai bèo, tay chống gậy, lưng đeo túi dết. Nhiệm vụ của các cô chú là dẫn đường và kiêm luôn cả "bảo mẫu" cho chúng tôi. Khi cõng các bạn bị mệt, bế chúng tôi qua suối, khi lùa chúng tôi vào hầm, hoặc kéo chúng tôi chạy vượt qua những chùm đèn pháo sáng của địch... Các cô chú đã làm hết sức mình để bảo vệ an toàn cho chúng tôi", GS, TS Nguyễn Anh Trí kể.
Đường hành quân rất nguy hiểm do máy bay địch thường rình rập để dội bom vào đội hình đoàn bất cứ lúc nào. Anh Trí và các bạn đã phải trải qua những chuyến hành quân đêm, khi đi vào những vùng heo hút, leo đèo, vượt dốc để tránh sự phát hiện của máy bay địch... "Cuộc thiên di" ấy đều an toàn, trót lọt, vì đi đến đâu, đoàn cũng nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương. Nhân dân đã che chở các em, nhường hầm cho các em ngủ. Đến Hà Tĩnh, Nghệ An, các em còn được ăn cơm nếp, thịt gà vì người dân lo các em bị đói. Anh Trí mang đi mấy bộ quần áo cũ, không được lành lặn lắm nhưng vẫn đủ dùng bởi luôn được các mẹ, các chị lấy ra may vá cho hoặc nhét thêm áo lành vào. Tình cảm của bà con đã tiếp thêm sức mạnh cho các em trong cuộc hành quân đầy vất vả và hiểm nguy ấy.
Nhưng có lẽ kỷ niệm sâu đậm nhất trong lòng GS, TS Nguyễn Anh Trí là những năm tháng được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của một gia đình ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông kể: “Đoàn K8 của chúng tôi đến xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân khi trời nhá nhem tối. Bà con đã tập trung rất đông ở đó chờ đón chúng tôi về nhà mình. Tôi cùng 4 bạn nhỏ nữa được đưa về nhà bác bí thư chi bộ ở đây. Nhưng sau một đêm ngủ tại nhà bác thì nhóm chúng tôi bị... chia nhỏ để đi các nhà khác. “Bác bí thư muốn nhận nuôi các em nhưng nhà bác quá nghèo lại đông con nên chi bộ đã quyết định chuyển các em đến ở gia đình khác”-người dẫn chúng tôi đi đã nói như vậy”.
Thế rồi cậu bé Nguyễn Anh Trí được gia đình ông Lê Văn Chí và bà Dương Thị Xích đón về nuôi. Nhớ lại khoảng thời gian đó, ông cho biết: "Ba năm ở Thanh Hóa là ba năm tôi đã được chăm lo, chỉ dạy như một người con trong gia đình. Hằng ngày đi học một buổi còn một buổi đi chăn bò, đôi khi đi cắt cỏ cho bò ăn, làm vườn, gieo ngô, mót khoai... Như mọi trẻ con tầm tuổi ấy, tôi “khoái” nhất là được đi chăn bò. Vì đó là buổi “họp mặt” đánh trận giả, đánh đu, đánh đáo, bẫy chim, nướng khoai và cả tắm sông...
GS, TS Nguyễn Anh Trí bên dòng sông Chu.
Tôi nhớ, con sông Chu ngày đó đẹp lắm, trong xanh, hiền hòa vô cùng! Chúng tôi thường bơi ra giữa sông, leo lên những bè nứa dài vài chục mét, trò chuyện với những bác thợ chống bè lực lưỡng và vui tính. Nhưng nhớ đời nhất chính là lần tôi “được” các bạn xui vào ruộng mía để... bẻ mía ăn. Là đứa trẻ ngây thơ, tôi cứ theo lời các bạn mà bẻ khoảng chục cây, lại còn bó lại gọn gàng rồi vác ra chỗ các bạn để cùng thưởng thức. Mãi tối hôm ấy, khi bác "khoán đồng" vào nhà trao đổi, tôi mới hiểu hành động của mình bị cấm và sẽ bị trừ công điểm. Dù gây ra việc “tày trời” nhưng ông bà Chí chẳng hề trách mắng tôi, chỉ căn dặn lần sau đừng nghe các bạn “xui dại” nữa”.
GS, TS Nguyễn Anh Trí (thứ hai, từ phải sang) trong lần thăm lại gia đình đã nuôi nấng ông thuở ấu thơ ở Xuân Hòa, Thọ Xuân, Thanh Hóa, năm 2018. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Trong trí nhớ của GS, TS Nguyễn Anh Trí, gia đình ông Lê Văn Chí là một gia đình không giàu có nhưng rất êm ấm, thuận hòa: “Ông bà có năm con trai, hai con gái thì ba người con trai đi bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, một người con gái đi thanh niên xung phong. Hai người con trai còn ở nhà tên là Ngôn và Hiếu. Chú Ngôn đang học cấp 3, còn “chú” Hiếu chỉ hơn tôi 1 tuổi, học cùng lớp với tôi. Chú Ngôn rất thương tôi, tôi thường được chú chỉ bảo làm bài tập và đêm ngủ chung giường với chú. Chưa khi nào tôi thấy trong gia đình xảy ra tiếng cự cãi. Tôi cũng không bao giờ bị mắng. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy hạnh phúc vì điều đó!".
Năm 1969, Anh Trí được cha đón trở lại quê nhà. Kể từ ấy, những tháng ngày K8 đã trở thành dấu ấn không phai mờ trong ông. Sau này, mỗi khi có dịp, ông đều về thăm lại miền quê ấy. Đó là dịp để ông tưởng nhớ, tri ân những tấm lòng đã nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che mình trong những tháng ngày gian khó nhất của cuộc đời!
THỦY TIÊN - MINH PHƯƠNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/k8-dau-an-tinh-nguoi-795535