KBSV nhận định áp lực trong ngắn hạn lên chất lượng tài sản của Ngân hàng Quân đội vẫn còn tương đối lớn.
Kết thúc quý 3 vừa qua, Ngân hàng Quân đội (mã cổ phiếu MBB - sàn HoSE) ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng 42% so với quý trước và cùng kỳ, đặc biệt nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng lần lượt 65% và 59% so với quý 2/2024.
Ngân hàng Quân đội cho biết, nợ xấu gia tăng trong quý vừa qua do nhiều khách hàng, bao gồm cả khách hàng mới, gặp những khó khăn tài chính tạm thời dẫn đến việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ nợ.
Theo đánh giá của Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV), mặc dù nợ xấu tăng mạnh nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3/2024 của Ngân hàng Quân đội lại giảm 18% so với quý 2/2024, kéo theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong kỳ giảm mạnh từ 102% về 69%.
Điều này có thể cho thấy Ngân hàng Quân đội đánh giá sự chậm thanh toán khoản vay của các khách hàng chỉ là yếu tố tạm thời, dự kiến sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong quý tới.
Dù vậy, KBSV nhận định áp lực trong ngắn hạn lên chất lượng tài sản của Ngân hàng Quân đội vẫn còn tương đối lớn.
Thứ nhất, việc Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước hết hạn vào cuối năm nay và nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sẽ làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng. Theo KBSV, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Quân đội chỉ chiếm khoảng 0,5 - 0,6% tổng tín dụng, nhưng vẫn cao hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần cùng nhóm.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và bao phủ nợ xấu (LLCR) của Ngân hàng Quân đội qua các quý. (Nguồn: KBSV, Ngân hàng Quân đội)
Thứ hai, các khoản trái phiếu gia hạn 2 năm trước đây của Ngân hàng Quân đội sẽ được đáo hạn vào năm 2025 - 2026. Cuối cùng, KBSV đánh giá những khách hàng của Ngân hàng Quân đội đang gặp khó khăn cũng sẽ cần ít nhất 1 - 2 quý để giải quyết các khó khăn để có thể quay lại nhóm nợ tiêu chuẩn tùy vào mức độ hồi phục của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Về dài hạn, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án bất động sản và năng lượng tái tạo, bao gồm một số dự án liên quan trực tiếp đến các khách hàng lớn của Ngân hàng Quân đội. Điều này sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi chất lượng tài sản của nhà băng này.
Với giả định các dự án sẽ được tháo gỡ hoàn toàn trong vài năm tới, sẽ là cơ sở để Ngân hàng Quân đội đưa chất lượng tài sản quay trở lại nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt như giai đoạn trước, theo KBSV.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Bên cạnh đó, Ngân hàng Quân đội cũng ghi nhận một số điểm sáng trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, nhà băng này đang nỗ lực đa dạng hóa danh mục cho vay hướng đến tăng trưởng bền vững.
Cụ thể, kể từ năm 2023 đến nay, tăng trưởng cho vay của Ngân hàng Quân đội được dẫn dắt chủ yếu bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp, trong khi dư nợ kênh trái phiếu doanh nghiệp đã giảm đáng kể, chỉ còn đóng góp khoảng 5% danh mục tín dụng của nhà băng. Bên cạnh đó, nhóm khách hàng cá nhân đã có dấu hiệu hồi phục trong 2 quý gần nhất với tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% sau 3 quý đầu năm 2024.
KBSV nhận định tăng trưởng tín dụng cả năm nay của Ngân hàng Quân đội sẽ đạt khoảng 20% khi quý 4 thường là cao điểm nhu cầu tín dụng. Trong giai đoạn 2025 - 2027, tăng trưởng tín dụng hàng năm của nhà băng này được dự báo sẽ đạt 18 - 20%
Trong đó, cho vay kinh doanh hộ gia đình, thương mại và chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục chiếm phần lớn trong danh mục cho vay của Ngân hàng Quân đội, trong khi giải ngân với lĩnh có rủi ro cao hơn như cho vay phát triển bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ duy trì ở tỷ trọng vừa phải, theo KBSV.
Duy Quang