Kể cả khi các quốc gia thiện chí, Mỹ cũng chỉ giảm thuế xuống 10%

Kể cả khi các quốc gia thiện chí, Mỹ cũng chỉ giảm thuế xuống 10%
15 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết quốc gia này sẽ công bố thêm hàng chục thỏa thuận thương mại trong vòng một tháng tới. Ảnh: Reuters.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC hôm 8/5, ông Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết: "Trong khoảng một tháng tới, chúng tôi sẽ công bố hàng chục thỏa thuận".
Dù không nêu cụ thể những đối tác nào đang được đàm phán, ông khẳng định chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy nhiều thỏa thuận song phương trong khuôn khổ chiến lược "thương mại công bằng vì nước Mỹ".
Khi được hỏi liệu mức thuế 10% có phải là "mặc định" bất kể đối tác là ai, ông Lutnick trả lời thẳng thắn: "Tôi nghĩ mức đó sẽ được giữ nguyên".
Theo ông, mức thuế này sẽ áp dụng với những nước có cán cân thương mại cân bằng với Mỹ. Riêng với các đối tác đang có thâm hụt thương mại, mức thuế sẽ cao hơn và chỉ có thể giảm xuống 10% nếu họ thể hiện thiện chí rõ rệt trong việc mở cửa thị trường và đạt tới quan hệ thương mại "công bằng và cân bằng".
"Nếu họ thực sự mở cửa thị trường, thể hiện thiện chí và tuyên bố 'chúng tôi muốn hướng tới thương mại công bằng với Mỹ', thì mức thấp nhất họ có thể đạt được là 10%. Nhưng khả năng phần lớn sẽ cao hơn con số đó", ông nhấn mạnh.
Cũng trong buổi phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ không tiếc lời ca ngợi Tổng thống Donald Trump, gọi ông là "nhà đàm phán hàng đầu thế giới". Ông cho biết thỏa thuận thương mại với Anh đã được hai bên phân tích kỹ lưỡng, bao gồm nhiều danh mục sản phẩm và phản ánh nỗ lực hợp tác nghiêm túc giữa Washington và London.
Đối với các đối tác lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, ông Lutnick thừa nhận khối lượng công việc còn lại rất lớn và đòi hỏi thời gian xử lý không nhỏ. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ sự lạc quan rằng trong thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng, Mỹ có thể đạt được các bước tiến quan trọng trong đàm phán.
Theo ông Lutnick, Washington đang thiết lập các mẫu hiệp định chung, trong đó nhóm các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế tương đồng với khoảng 20-30 nước vào cùng một khuôn khổ.
"Chúng tôi sẽ rà soát từng loại sản phẩm, tinh chỉnh cho phù hợp, rồi đề xuất một mô hình hợp tác. Nếu họ muốn điều chỉnh đôi chút, chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng xem xét", ông nói thêm.
Song song với việc chuẩn bị ký kết các thỏa thuận mới, Washington cũng đang tìm cách giảm nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc - quốc gia đang chịu mức thuế lên tới 145%.
Tổng thống Trump tiết lộ rằng ông kỳ vọng sẽ có các cuộc đàm phán "thực chất" với Bắc Kinh vào cuối tuần này và dự đoán mức thuế áp lên Trung Quốc có thể được điều chỉnh giảm, tùy thuộc vào tiến triển đàm phán.
khi chính quyền ông Trump chính thức áp thuế 10% với phần lớn quốc gia và tăng mạnh mức thuế với nhiều đối tác thương mại. Tuy nhiên, chính sách đã được tạm hoãn trong 90 ngày, từ đó
Hiện, một loạt cuộc gặp song phương giữa Mỹ và nhiều quốc gia đang diễn ra, trong thời gian ông Trump tạm hoãn áp thuế "có đi có lại" với các đối tác thương mại, ngoại trừ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ hiện cũng đang áp thuế 25% đối với ôtô, thép và nhôm với Canada và Mexico.
Ngoài các chính sách thương mại, ông Lutnick còn bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Tổng thống Trump về việc nâng thuế thu nhập đối với nhóm người giàu nhất nước Mỹ. Động thái này được xem là nhằm cân bằng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh các gói hỗ trợ kinh tế vẫn đang được triển khai mạnh mẽ.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/ke-ca-khi-cac-quoc-gia-thien-chi-my-cung-chi-giam-thue-xuong-10-post1552103.html