Kể câu chuyện hấp dẫn về di sản

Kể câu chuyện hấp dẫn về di sản
8 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, ngày 14.11, đã diễn ra hội thảo quốc tế “Giám tuyển tương lai: Bước chuyển mình của bảo tàng tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm khám phá, định hướng tương lai và quy chế quản lý của hoạt động giám tuyển trong lĩnh vực văn hóa của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho rằng: vai trò của giám tuyển ngày càng quan trọng. UNESCO ghi nhận những đóng góp thiết yếu của giám tuyển trong định hình trải nghiệm có ý nghĩa với cộng đồng.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker cho rằng, vai trò của giám tuyển ngày càng quan trọng
Theo ông Jonathan Baker, Việt Nam đặc biệt là Hà Nội, đang chứng kiến sự quan tâm lớn với văn hóa, sáng tạo. Đầu tư vào lĩnh vực này tăng gấp đôi so với năm trước khiến cho hệ sinh thái sáng tạo mạnh mẽ.
Hồi sinh này dựa trên di sản văn hóa phong phú của Việt Nam, nguồn tài nguyên lịch sử và chính sách của Nhà nước với phát triển văn hóa.
Trong bối cảnh đó, bảo tàng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sáng tạo năng động, là không gian hợp tác để có thể truyền những ý tưởng mới, giải quyết những thách thức và thúc đẩy quan hệ đối tác trong các lĩnh vực.
Hội thảo nhằm chung tay tạo ra tầm nhìn tương lai cho các bảo tàng Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc (SDG 4: Giáo dục chất lượng và SDG 11: Thành phố và cộng đồng bền vững).
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại hội thảo
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, hội thảo đặt ra vấn đề thiết thực trong bối cảnh hành nghề giám tuyển có vai trò hết sức quan trọng với các sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và nhiều chương trình của Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Ông Đỗ Đình Hồng mong muốn từ ý kiến tại hội thảo sẽ giúp người hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng có cái nhìn tổng thể, hệ thống hóa vai trò của họ trong gìn giữ di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại.
Tại Thủ đô, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thiện phần xây dựng vào năm 2010 và đang hoàn thiện trưng bày trong nhà, ngoài trời. Thông qua hội thảo, hy vọng sẽ giúp những người làm bảo tàng có thể giới thiệu, tổ chức trưng bày thu hút đông đảo công chúng, phát huy giá trị của di sản đang lưu giữ.
Theo Phó giáo sư Jane Vagan, giám tuyển trong bảo tàng hiện nay cần kể câu chuyện hấp dẫn về di sản để thu hút công chúng
Chương trình được thiết kế bởi Ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và Phó giáo sư Jane Vagan từ Đại học Sydney. Với sự tham gia của các bên liên quan trong cả khu vực công và tư, hội thảo mang đến những thảo luận, trao đổi đa dạng và toàn diện về quỹ đạo phát triển của các hoạt động giám tuyển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Phó giáo sư Jane Vagan cho biết, trước kia giám tuyển trong bảo tàng tập trung quan tâm chăm sóc hiện vật, nhưng hiện nay là nghề đa lĩnh vực, đa nhiệm, từ hiện vật bảo tàng cần kể câu chuyện hấp dẫn, thu hút công chúng.
Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động bảo tàng đang có nhiều hoạt động kết nối với công chúng, người làm sáng tạo
Các thảo luận tại hội thảo cũng cho thấy cần sáng tạo trong hoạt động bảo tàng; mở rộng kết nối chuyên gia, nghệ sĩ, đưa di sản đến với cộng đồng qua nhiều hình thức khác nhau…
Ng. Phương; Ảnh: BTC
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ke-cau-chuyen-hap-dan-ve-di-san-post396351.html