Kê đơn thuốc dài ngày: Thuận tiện nhưng không 'cấp phát tùy ý'

Kê đơn thuốc dài ngày: Thuận tiện nhưng không 'cấp phát tùy ý'
14 giờ trướcBài gốc
Đã hơn nửa tháng kể từ khi Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh có hiệu lực. Theo đó, người bệnh mắc một số bệnh mạn tính có thẻ bảo hiểm y tế thuộc danh mục cho phép được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày (tối đa 90 ngày).
Đỡ cực nhất là người cao tuổi
Ông NTL (65 tuổi, ngụ TP.HCM) mắc bệnh tiểu đường, đã khám và điều trị tại Bệnh viện (BV) Thống Nhất nhiều năm qua. Tình trạng bệnh của ông đã ổn định, đều đặn mỗi tháng đến BV tái khám, nhận thuốc một lần.
"Trước đây cứ đến lịch khám là tôi đi từ sáng sớm, xong việc cũng 3-4 tiếng. Người cao tuổi như tôi khám bệnh mãn tính đông nên chờ đợi cũng hơi mệt. Bệnh của tôi đã ổn định nên thuốc nhận các tháng gần như không thay đổi gì” - ông L chia sẻ.
Người mắc một số bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo ông L, những bệnh nhân ở ngoại thành, lớn tuổi và di chuyển khó khăn như ông mỗi tháng đi lấy thuốc 1 lần khá vất vả. Một người bạn của ông dù có BHYT ở BV nhưng lâu nay đã chuyển qua bác sĩ (BS) tư gần nhà vì theo như ông nói thì: "Ông ấy không đủ sức đi lại và chờ đợi như tôi".
“Nay nghe tin nhiều bệnh mạn tính trong đó có tiểu đường được kê đơn thuốc dài ngày, khoảng 2-3 tháng/lần tôi rất mừng. Bệnh của tôi cũng được chỉ định 3 tháng phải xét nghiệm máu một lần nên lịch này thực sự là thuận tiện, bớt đi lại vất vả, BV cũng đỡ đông hơn" - ông L nói.
Nghe tin bệnh tăng huyết áp nằm trong danh sách bệnh mãn tính được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày, ông TMH (70 tuổi, ngụ TP.HCM) phấn khởi vì từ nay không phải đi lại mỗi tháng nữa.
Ông H mắc bệnh tăng huyết áp cách đây nhiều năm, hằng tháng phải đến BV Đa khoa khu vực Hóc Môn lấy thuốc. Ông bảo những loại thuốc ông nhận mỗi tháng hầu như không khác so với các thuốc cũ, xét nghiệm thì cứ 3-6 tháng mới thực hiện một lần.
"Trước đây tôi từng hỏi BS có thể kê thuốc chừng 2-3 tháng để đỡ phải đi lại không, lúc đó BS nói chưa có quy định về việc đó, động viên tôi chịu khó. Bữa nghe tin từ nay được cấp thuốc dài ngày tôi rất vui, vì với người cao tuổi mỗi kỳ đi lại, chờ đợi rất mệt mỏi ” - ông H bày tỏ.
Kê đơn thuốc dài ngày tùy bệnh
Đại diện BV Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết đang trong quá trình xây dựng quy trình triển khai Thông tư 26. Điều quan trọng nhất là BS sẽ đưa ra quyết định về thời gian uống thuốc, tái khám phù hợp với tình trạng của từng tình bệnh nhân, đảm bảo an toàn và thuận tiện nhất.
Người dân đang chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
BS Cao Tấn Phước, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho biết theo thống kê tại BV, số lượng người bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… chiếm khoảng 60-70%. Kê đơn thuốc dài ngày rất cần thiết, nhất là với người bệnh mạn tính, việc này vừa giúp giảm tải BV, vừa để người bệnh đỡ phải vất vả đi lại.
Tuy nhiên, theo BS Phước, các BS cần cân nhắc kỹ lưỡng khi kê đơn thuốc dài ngày cho người bệnh. Tùy vào tình hình sức khỏe của người bệnh ổn định như thế nào để có đánh giá linh hoạt. Với người lớn tuổi, diễn tiến bệnh thường rất dễ trở nặng, do đó khi kê đơn thuốc phải căn cứ vào tình trạng của họ.
Bệnh nhân điều trị tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất, cho hay đơn vị đã triển khai các nội dung khi Thông tư 26 có hiệu lực. Tuy nhiên, BV sẽ chỉ kê đơn thuốc dài ngày cho những bệnh nhân mãn tính đã ổn định.
“Các BS đều hiểu bệnh nhân lớn tuổi đi khám bệnh xa rất vất vả nên nếu trường hợp nào cấp được thuốc dài ngày họ sẽ kê toa. Tuy vậy, không phải cứ thuộc danh mục bệnh là mặc nhiên được kê thuốc trên 30 ngày, BS phải đánh giá kỹ tình trạng của từng bệnh nhân trước khi quyết định số ngày cấp thuốc” - BS Thanh nhấn mạnh.
Thông tư 26 quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình, đảm bảo phù hợp với chẩn đoán, mức độ ổn định của bệnh và khả năng người bệnh tự theo dõi điều trị tại nhà.
Trường hợp thuốc chưa dùng hết nhưng bệnh diễn biến bất thường, hoặc người bệnh không thể tái khám đúng hẹn, bắt buộc phải quay lại cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh đơn thuốc nếu cần.
Bệnh nhân khám chữa bệnh tại BV Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo BS Thanh, việc kê đơn thuốc dài ngày chỉ áp dụng với các bệnh ổn định, phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn và không đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên. Đồng thời, người bệnh cũng cần được hướng dẫn kỹ lưỡng để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các tác dụng không mong muốn, nếu có.
Sở Y tế TP.HCM nhận định quy định mới về kê đơn thuốc dài ngày cho bệnh mạn tính tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh điều trị liên tục, đúng phác đồ, giảm áp lực cho các BV tuyến trên. Qua ghi nhận, đa số cơ sở y tế trên địa bàn TP đã triển khai nghiêm túc và thực hiện tốt các quy định tại Thông tư 26, đặc biệt là việc sử dụng biểu mẫu đơn thuốc thống nhất, kiểm soát kê đơn thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, thực hiện kê đơn một lần cho mỗi lượt khám và tuân thủ thời hạn sử dụng thuốc.
Ngoài ra, kê đơn thuốc dài ngày là một trong những bước đi quan trọng trong quản lý bệnh mạn tính, đặc biệt trong bối cảnh người dân TP.HCM ngày càng gia tăng nhu cầu điều trị ổn định, thuận tiện tại tuyến y tế cơ sở. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các BV, cơ quan BHXH và các đơn vị liên quan để giám sát quá trình triển khai, đảm bảo hiệu quả chuyên môn, an toàn và quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người bệnh.
Kê đơn thuốc dài ngày không phải “cấp phát tùy ý”
Ngay sau khi Thông tư 26 được ban hành, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các BV, trung tâm y tế, phòng khám triển khai nghiêm túc các quy định mới.
Cụ thể, cập nhật đầy đủ mẫu đơn thuốc mới theo thông tư, bao gồm đơn thuốc thông thường, đơn thuốc gây nghiện, hướng thần và quy trình nhận lại thuốc chưa sử dụng.
Tổ chức xây dựng, hoàn thiện quy trình cấp phát thuốc điều trị ngoại trú dài ngày, đặc biệt lưu ý việc kê đơn tối đa 90 ngày phải phù hợp với tình trạng người bệnh, có hồ sơ quản lý chặt chẽ và đảm bảo theo đúng quy định thanh toán BHYT hiện hành.
Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ, nhất là các trường hợp có điều chỉnh phác đồ điều trị giữa các đợt tái khám.
Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và hoàn tất lộ trình triển khai đơn thuốc điện tử trước ngày 1-10-2025 đối với các bệnh viện và trước ngày 1-1-2026 đối với các cơ sở khác.
Để triển khai hiệu quả, các cơ sở khám chữa bệnh cần tổ chức tập huấn chuyên môn nội bộ, thống nhất quy trình kê đơn - cấp thuốc - theo dõi tái khám. Đồng thời tăng cường truyền thông đến người bệnh, giúp người dân hiểu đúng về việc được kê đơn 2-3 tháng thuốc BHYT đối với bệnh mạn tính, không cấp phát tùy ý.
Tuyên truyền cho người dân nắm rõ quyền lợi BHYT và thời điểm phù hợp để tái khám theo lịch hẹn của BS. Hạn chế tình trạng người bệnh tái khám nhiều lần không cần thiết, góp phần giảm tải bệnh viện và tiết kiệm chi phí điều trị.
THẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/ke-don-thuoc-dai-ngay-thuan-tien-nhung-khong-cap-phat-tuy-y-post860169.html