Cá thể hóa khi kê đơn thuốc dài ngày cho người bệnh
Thông tư 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế vừa ban hành quy định chi tiết việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó cho phép bác sĩ kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính thay vì 1 tháng như trước đây.
Bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài (ảnh minh họa).
Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Việc phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định, thực sự gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh và gia đình. Không chỉ vậy, việc quá tải bệnh viện cũng gia tăng do người bệnh phải quay lại thường xuyên dù không cần can thiệp y tế mới.
Thay đổi này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng đi lại, chi phí cho người bệnh, đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị liên tục, ổn định".
Tuy nhiên, ông Dương nhấn mạnh rằng, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí.
Do vậy, quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài.
Người bệnh khi nhận thuốc dài ngày lưu ý điều gì?
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra những khuyến cáo quan trọng cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, khi nhận thuốc trong thời gian dài hơn để đảm bảo uống thuốc đúng cách và không ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Ông Bảy cho rằng bệnh mạn tính nghĩa là bệnh kéo dài và sự ổn định chỉ là tạm thời, người mắc bệnh mạn tính thường là người già và có nhiều bệnh lý đi kèm. Do đó, để duy trì bệnh ở tình trạng ổn định và sức khỏe tốt, người bệnh cần lưu ý một số yếu tố.
Đầu tiên, người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện. Nếu có bất kỳ điều gì chưa hiểu, cần trao đổi ngay với bác sĩ khám bệnh hoặc dược sĩ phát thuốc để được giải đáp thắc mắc.
Thứ hai, việc bảo quản thuốc là rất quan trọng do số lượng thuốc lĩnh được nhiều hơn, có nguy cơ để lẫn các loại thuốc, đặc biệt khi trong gia đình có nhiều người mắc bệnh mạn tính. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường điều trị insulin, cần có tủ lạnh để bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần.
Thứ ba, người bệnh cần tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Để tiện lợi, có thể để thuốc cạnh bàn ăn hoặc tại phòng ngủ, hoặc đặt chuông điện thoại nhắc giờ uống thuốc.
Thứ tư, việc theo dõi thường xuyên các thông số như nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc tại nhà thuốc, trạm y tế xã, phường là rất cần thiết để nắm bắt tình hình sức khỏe.
Cuối cùng, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc hotline của các bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác. Hoàn toàn có thể đi khám lại ngay mà không cần chờ đủ 60 hay 90 ngày theo lịch hẹn.
TS Bảy cũng khuyến khích người bệnh chủ động đặt lịch khám trước 3-5 ngày qua số hotline hoặc ứng dụng khám bệnh của các bệnh viện để tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong việc khám chữa bệnh.
Vũ Vũ