Kê đơn thuốc ngoại trú 90 ngày, giảm áp lực quá tải, tiết kiệm chi phí

Kê đơn thuốc ngoại trú 90 ngày, giảm áp lực quá tải, tiết kiệm chi phí
9 giờ trướcBài gốc
Thông tư 26 có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt, đặc biệt là quy định cho phép bác sĩ kê đơn thuốc tối đa 90 ngày đối với các bệnh mạn tính nằm trong danh mục 252 bệnh. Việc phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy đơn thuốc, dù bệnh đã ổn định đã làm gia tăng quá tải bệnh viện do người bệnh phải quay lại thường xuyên dù không cần can thiệp y tế mới.
Giảm áp lực quá tải, tiết kiệm chi phí
Phòng khám Vú của Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) mỗi buổi sáng đều rất đông bệnh nhân chờ xếp hàng để tới lượt khám. Kể từ 1/7, nhiều bệnh nhân điều trị ổn định đến khám được cấp thuốc 3 tháng một lần thay vì mỗi tháng một lần như trước đây. Thông tin này khiến họ rất phấn khởi, bởi có người từ tận miền Trung ra Hà Nội từ hôm trước lấy thuốc; hoặc bệnh nhân ở tỉnh miền núi phía Bắc phải bắt xe từ 2-3h sáng để xuống bệnh viện cho kịp lấy thuốc trong ngày.
Người bệnh được hưởng lợi trực tiếp từ quy định kê đơn thuốc ngoại trú 90 ngày.
Chị Lê Thị Thu (43 tuổi, Hưng Yên) cho biết, năm ngoái chị được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2 thể nội tiết. Trải qua ca phẫu thuật cắt u, chị tiếp tục điều trị 6 đợt hóa chất. Cuối năm 2024, chị được chuyển sang khoa Xạ, xạ 15 đợt và được hướng dẫn về nhà theo dõi, tái khám định kỳ. Theo lịch tái khám, cứ 3 tháng chị phải tới bệnh viện, tuy nhiên, thuốc điều trị phải lấy theo từng tháng. Mỗi tháng chị phải xin nghỉ 1 ngày để lên Hà Nội lấy thuốc. Lần này đi khám, chị được bệnh viện thông báo thực hiện quy định mới của Bộ Y tế là phát thuốc 3 tháng một lần, nên chị rất vui. “Mỗi lần đi lại rất mệt mỏi, áp lực khi bệnh viện quá tải. Nếu 3 tháng mới lấy thuốc một lần, quá tải sẽ giảm đi, lần sau tôi đến lấy thuốc có lẽ rất nhanh”, chị Thu tâm sự.
Một nữ bệnh nhân ở Tuyên Quang lần này đi khám cũng ngỡ ngàng khi biết mình được phát thuốc 3 tháng. Chị chia sẻ, mình bị ung thư vú và đã phẫu thuật năm 2023, vào hóa chất 8 đợt, kèm điều trị thuốc đích. Hiện tại, tình trạng của chị đã ổn định nên chị chỉ tới khám định kỳ 3 tháng một lần. Tuy nhiên vì vẫn cần dùng thuốc nội tiết nên chị vẫn phải di chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội lấy thuốc hàng tháng. “Mỗi lần đi lấy thuốc đều mất cả ngày, tôi phải xin nghỉ làm để có đủ thời gian. Khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ hỗ trợ bệnh nhân được lấy thuốc 3 tháng một lần, tôi rất phấn khởi. Bởi đó là nguyện vọng, là mong muốn của mỗi người bệnh, nhất là chúng tôi ở tỉnh xa”, nữ bệnh nhân cho biết.
Còn ông Phạm Quang Bằng (65 tuổi, Hà Tĩnh) cũng phấn khởi cho biết, ông mắc ung thư phổi đã hơn 1 năm, điều trị thuốc đích, bệnh tiến triển tốt. Hàng tháng ông vẫn phải ra bệnh viện để khám và lấy thuốc. Từ Hà Tĩnh xa xôi, mỗi lần đi tàu ra Hà Nội, khám lấy thuốc xong đến tối ông mới bắt xe về quê. Lần này ra khám, ông mong mỏi bệnh của mình đã ổn định để được kê đơn thuốc 3 tháng/lần, giảm áp lực đi lại và quá tải khi phải chờ khám.
Không chỉ người bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện K cũng cho biết đây là một thay đổi tích cực, góp phần giảm thiểu áp lực không những cho người bệnh mà cả cho các cán bộ nhân viên, y, bác sĩ. Người bệnh giảm bớt thời gian đi lại để lấy thuốc, tiết kiệm chi phí lớn; các cán bộ, nhân viên y tế và bác sĩ cũng sẽ bớt áp lực về vấn đề quá tải bệnh nhân, nâng cao năng suất hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh.
Không phải ai cũng được kê đơn 90 ngày
Theo TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mặc dù có nhiều lợi ích, việc kê đơn dài ngày cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong chỉ định. Những rủi ro có thể xảy ra như người bệnh không bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc, không được theo dõi sát tác dụng không mong muốn, bệnh tiến triển cần điều chỉnh phác đồ nhưng chưa kịp đánh giá lại, hoặc người bệnh mất, không sử dụng hết thuốc gây lãng phí.
"Về mặt thực thi, quy định này không áp dụng đại trà, mà bác sĩ phải đánh giá đầy đủ tình trạng lâm sàng, tiên lượng ổn định mới được kê đơn kéo dài", ông Dương khuyến cáo.
Đối với một số cơ sở y tế tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, quy định này có thể gặp thách thức trong việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc khi số lượng thuốc kê mỗi lần tăng gấp 3 so với trước đây. Ngoài ra, một số loại thuốc chuyên khoa có thể chưa phổ biến hoặc thiếu tại địa phương ở một số thời điểm nhất định. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho hay, danh mục bệnh áp dụng kê đơn 90 ngày chủ yếu là các bệnh mạn tính phổ biến, với nhiều biệt dược, hoạt chất thay thế tương đương nhau. Các bệnh hiếm, phức tạp như ung thư hay bệnh huyết học đặc biệt – vẫn chủ yếu điều trị tại tuyến Trung ương, nên không gây áp lực quá lớn cho tuyến dưới.
ThS.BSCKII Trần Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Quyền kê đơn 90 ngày không có nghĩa là bệnh nhân nào cũng nên được kê như vậy. Bác sĩ buộc phải đánh giá thật kỹ tình trạng cụ thể của từng người bệnh. Quan điểm của chúng tôi là: Kê đơn cần cá thể hóa – mỗi người bệnh một phác đồ, không máy móc. Làm được như vậy thì vừa tiết kiệm cho quỹ BHYT, vừa giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn", BS Sơn nói.
Vấn đề đặt ra kê đơn 90 ngày áp dụng cho nhóm bệnh nhân mãn tính, trong đó có nhiều người già, có nhiều bệnh lý đi kèm, việc uống thuốc đúng cách, bảo quản thuốc đúng quy định không phải ai cũng tuân thủ. TS.BS Nguyễn Quang Bảy - Trưởng Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: “Việc bảo quản thuốc là rất quan trọng do số lượng thuốc lĩnh được nhiều hơn, có nguy cơ để lẫn các loại thuốc, đặc biệt khi trong gia đình có nhiều người mắc bệnh mạn tính. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường điều trị insulin, cần có tủ lạnh để bảo quản thuốc vì các loại insulin chỉ có thể để ở nhiệt độ thường dưới 4 tuần. Người bệnh cần tuân thủ tiêm hoặc uống thuốc đầy đủ và đúng giờ. Theo dõi thường xuyên các thông số như nhịp tim, huyết áp, đường máu tại nhà hoặc tại nhà thuốc, trạm y tế xã, phường là rất cần thiết để nắm bắt tình hình sức khỏe. Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc hotline của các bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khi bị mắc thêm bệnh khác. Hoàn toàn có thể đi khám lại ngay mà không cần chờ đủ 60 hay 90 ngày theo lịch hẹn”.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/y-te/ke-don-thuoc-ngoai-tru-90-ngay-giam-ap-luc-qua-tai-tiet-kiem-chi-phi-i773864/