Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến mục tiêu chấm dứt xung đột Nga-Ukraine thành một trong những cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử, tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến này trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nhiệm sở. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, sau khi Tướng Keith Kellogg – Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine nhận định rằng tiến trình hòa bình sẽ phức tạp hơn nhiều và có thể mất tới 100 ngày để đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Những chi tiết cụ thể về kế hoạch hòa bình của Nhà Trắng tới nay vẫn chưa được công bố, mặc dù giới quan sát đã đưa ra nhiều đồn đoán về cách ông Trump sẽ buộc hai bên tham chiến cùng ngồi vào bàn đàm phán. Ông Kellogg dự kiến sẽ trình bày kế hoạch này với các đồng minh phương Tây tại Hội nghị an ninh Munich được tổ chức từ ngày 14-16/2.
Tướng Keith Kellogg – Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nga-Ukraine. Ảnh: UnitedMedia24
Kế hoạch hòa bình có gì?
Theo Bloomberg, điều khoản quan trọng trong kế hoạch của Tướng Kellogg là đóng băng xung đột theo hướng hiện tại. Nga đã đạt được những thành quả ổn định dọc theo mặt trận phía Đông Ukraine trong suốt năm qua và hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, chủ yếu ở khu vực Donetsk ở phía Đông Nam. Nếu hai bên tham chiến tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn theo hướng này, Nga sẽ có quyền giữ lại thành quả quân sự trước đó.
Điều này được dự đoán sẽ trở thành điểm gây tranh cãi trên bàn đàm phán, bởi trước đó, Kiev đã khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu với Nga cho đến khi lập lại đường biên giới được quốc tế công nhận ban đầu. Tuy nhiên, vào tháng 11/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky bất ngờ đổi giọng, chấp nhận nhượng bộ lãnh cho Nga để đổi lấy một vị trí chính thức trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO.
Đổi lại việc đóng băng xung đột theo hướng hiện tại, kế hoạch của Tướng Kellogg cũng bao gồm cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh mà nước này yêu cầu. Trước đó, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nga và Ukraine từng lên tiếng ủng hộ việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev nếu Moscow từ chối ngồi vào bàn đàm phán.
Một khía cạnh khác trong thỏa thuận của Tướng Kellogg được cho là có liên quan đến việc tổ chức bầu cử ở Ukraine, sớm nhất là vào cuối năm 2025 trong trường hợp lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Hiện tại, các cuộc bầu cử bị cấm tổ chức tại Ukraine trong thời gian thiết quân luật. Nếu cuộc xung đột với Nga không diễn ra, nhiệm kỳ của ông Zelensky sẽ kết thúc vào ngày 20/5/2024. Tới nay, nhà lãnh đạo Kiev cho biết ông sẵn sàng tổ chức bầu cử ngay sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Một điểm chính khác trong kế hoạch hòa bình của Tướng Kellogg liên quan đến yêu cầu Ukraine đổi khoáng sản lấy hỗ trợ quân sự của Mỹ. The Telegraph cho biết, Kiev và Washington đã tiến hành đàm phán một thỏa thuận khai thác khoáng sản quan trọng với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden; theo đó cho phép Mỹ tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Ukraine. Tuy vậy, thỏa thuận đã bị trì hoãn sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái.
Điểm bế tắc trong kế hoạch hòa bình
Các đồng minh châu Âu của Ukraine, bao gồm Anh, Ba Lan và Pháp đang thảo luận về ý tưởng gửi quân đến Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn. Ông Zelensky cho biết kế hoạch như vậy chỉ có thể hiệu quả khi có sự tham gia của quân đội Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng cần ít nhất 200.000 binh sĩ tham gia gìn giữ hòa bình và chỉ riêng quân đội châu Âu sẽ là không đủ để đáp ứng mục tiêu này. Số quân này cần được bố trí ở vùng đệm rộng hơn 1200km, dọc theo tuyến đầu xung đột ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức đối với tuyên bố này của người đồng cấp Ukraine Zelensky. Trong cuộc phỏng vấn ngày 6/2 trên Fox News Digital, Tướng Kellogg cũng thẳng thừng bác bỏ yêu cầu mới nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky về việc cung cấp vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa từ phương Tây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
"Cơ hội để họ có được vũ khí hạt nhân là rất mong manh và gần như không có", ông Kellogg nói.
Năm 1994, Kiev đã đồng ý đã từ bỏ kho vũ khí hạt nhân thừa hưởng từ Liên Xô sau khi Liên bang này tan rã, để đổi lấy các bảo đảm an ninh trong Bản ghi nhớ Budapest. Ông Zelensky cho biết thỏa thuận đã bị vi phạm sau khi xung đột với Nga bùng nổ vào đầu năm 2022 và do đó đã yêu cầu Ukraine được phép tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
Đối với việc để Ukraine gia nhập NATO, chính quyền của ông Trump tới nay vẫn giữ thái độ im lặng.
“Đó là một trong những lý do tôi tới châu Âu vào tuần tới để gặp mặt họ. Tôi sẽ trở về và nhắc lại câu chuyện này với Tổng thống Trump”, Tướng Kellogg cho biết.
Bên cạnh đó, cũng không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ chấm dứt xung đột theo cách Mỹ mong muốn. Nga vẫn đang chiếm lợi thế trước Ukraine trên chiến trường và lợi thế này được cho là sẽ củng cố tiếng nói của Moscow trên bàn đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova mới đây tuyên bố Moscow không chấp nhận giải pháp ngừng bắn tạm thời hoặc "đóng băng" xung đột tại Ukraine. Bà Zakharova cho rằng một giải pháp như vậy sẽ bị phương Tây lợi dụng để tăng cường tiềm lực quân sự cho chính quyền Ukraine và tiến hành trả đũa vũ trang đối với Nga.
Vẫn còn có nhiều bất ngờ chưa thể lường trước trong bản kế hoạch hòa bình được thông qua bởi một Tổng thống Mỹ nổi tiếng khó đoán như ông Trump. Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Mỹ đã gây chấn động với tuyên bố tiếp quản Gaza và di dời người dân Palestine ra khỏi khu vực này. Ông Trump cũng không che giấu mong muốn sở hữu Greenland - một vùng lãnh thổ bán độc lập, giàu khoáng sản ở Bắc Cực mà ông tin có thể đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nước Mỹ.
Liệu ông Trump sẽ thay đổi quan điểm và cho phép Ukraine chế tạo vũ khí hạt nhân hay không? Hoặc Kiev sẽ nhận được sự đảm bảo từ ông chủ Nhà Trắng để gia nhập NATO, bất chấp sự phản đối của những nhân vật cấp cao như Phó Tổng thống JD Vance? Đó là những câu hỏi còn đang để ngỏ.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Telegraph, The Independent