Kế hoạch mới của EU nhằm đoạn tuyệt với năng lượng Nga: Liệu có khả thi?

Kế hoạch mới của EU nhằm đoạn tuyệt với năng lượng Nga: Liệu có khả thi?
5 giờ trướcBài gốc
Công nhân điều chỉnh van tại trạm khí nén Slavyanskaya trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Tập đoàn Gazprom ở Ust-Luga, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Trong bối cảnh khó có thể áp dụng thêm các lệnh trừng phạt mới, Liên minh châu Âu (EU) đang chuyển hướng chiến lược để cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ năng lượng với Nga. Theo Politico.eu ngày 6/5, thay vì dựa vào các biện pháp trừng phạt cứng rắn, Brussels đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ một "đồng minh" không ngờ tới: các giám đốc điều hành trong ngành dầu khí.
Kế hoạch mới
Ủy ban châu Âu dự kiến công bố vào cùng ngày một kế hoạch được mong đợi từ lâu nhằm loại bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga khỏi lục địa này. Theo hai nhà ngoại giao châu Âu, kế hoạch này sẽ trao quyền mới cho các công ty tư nhân để thoái vốn khỏi Nga, cho phép họ chấm dứt hợp đồng sớm và khuyến khích dừng các thỏa thuận tương lai.
"Mặc dù đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong những năm gần đây, chúng tôi vẫn nhập khẩu 19% khí đốt của Nga vào năm 2024. Điều này gây tổn hại đến an ninh năng lượng của chúng tôi, khiến chúng tôi phải chịu sự áp lực", Giám đốc năng lượng EU Dan Jørgensen cho biết.
Ông Jørgensen khẳng định: "Lộ trình này sẽ giúp EU giành lại sự độc lập về năng lượng từ Nga".
Thực trạng phụ thuộc vẫn còn cao
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, EU đã cắt giảm phần lớn sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga, cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu và hạn chế vận chuyển khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (có trụ sở tại Helsinki), khối này vẫn chi hơn 200 tỷ euro cho năng lượng của Nga kể từ khi xung đột bùng phát, với khoảng một nửa dành cho mua khí đốt.
Đáng chú ý, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà EU mua từ Nga thậm chí còn tăng trong những tháng gần đây, bất chấp nỗ lực tìm nguồn cung cấp thay thế từ Mỹ.
Kế hoạch trên ban đầu được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, đề xuất đã tạm thời bị gác lại do "những diễn biến địa chính trị" - được hiểu là liên quan đến sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các quan chức EU đã hy vọng đạt được thỏa thuận với Washington để thay thế nguồn khí đốt Nga còn lại bằng khí đốt Mỹ, nhưng thỏa thuận này không thành hiện thực.
Một rào cản lớn khác đến từ Hungary, với Thủ tướng Viktor Orbán công khai phản đối mọi hạn chế năng lượng mới và liên tục đe dọa sẽ lật ngược toàn bộ khuôn khổ trừng phạt của EU - vốn đòi hỏi sự đồng thuận nhất trí từ 27 quốc gia thành viên để gia hạn sau mỗi 6 tháng.
Tình trạng bế tắc đó buộc Brussels phải tìm kiếm các phương án không cần sự đồng thuận hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay cả những lựa chọn này cũng gặp trở ngại: Ủy viên EU của Hungary Olivér Várhelyi đã đưa ra phản đối về mặt thủ tục đối với kế hoạch năng lượng ngay trước thời điểm công bố.
Các công ty năng lượng có sẵn sàng hợp tác?
Câu hỏi lớn là liệu các công ty năng lượng có thực sự muốn cắt đứt quan hệ với Nga hay không. Một số dấu hiệu cho thấy câu trả lời có thể là không.
Patrick Pouyanné, Tổng giám đốc tập đoàn TotalEnergies của Pháp, đã phát biểu rằng ông "sẽ không ngạc nhiên" nếu các đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến Trung Âu bắt đầu hoạt động trở lại. Ông còn cho rằng châu Âu sẽ "không hoàn toàn phản đối" việc tiếp cận năng lượng giá rẻ.
Cristian Signoretto, người đứng đầu tổ chức vận động hành lang ngành khí đốt Eurogas và Giám đốc tập đoàn năng lượng Eni của Italy, có quan điểm thận trọng hơn. Ông cảnh báo về "những rào cản lớn" có thể làm phức tạp bất kỳ quan hệ kinh doanh mới nào với Nga, bao gồm "khuôn khổ pháp lý phức tạp" và cơ sở hạ tầng bị hư hại.
"Chúng ta thực sự không biết điều gì có thể được kích hoạt lại", ông Signoretto nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp đã tái cơ cấu mô hình kinh doanh để tuân thủ lệnh trừng phạt và tìm nguồn thay thế.
Maria Shagina, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, chỉ ra rằng "nhu cầu còn lại đối với năng lượng của Nga được thúc đẩy bởi những cân nhắc về chi phí". Bà giải thích: "Các quốc gia thành viên EU lo ngại về khả năng cạnh tranh và phi công nghiệp hóa, do đó, năng lượng giá rẻ của Nga trong bối cảnh một thỏa thuận hòa bình (ở Ukraine) đang đến gần lại trở nên hấp dẫn".
Trong bối cảnh đó, kế hoạch mới của EU, dù tham vọng đến đâu, cuối cùng vẫn phải đối mặt với thực tế thị trường. Như ông Signoretto đã tóm tắt: "Có rất nhiều sự cường điệu và suy đoán, nhưng cuối cùng, giá cả dài hạn phụ thuộc vào cung và cầu".
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ke-hoach-moi-cua-eu-nham-doan-tuyet-voi-nang-luong-nga-lieu-co-kha-thi-20250506211146391.htm