Kế hoạch phát triển hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Kế hoạch phát triển hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
4 giờ trướcBài gốc
Không gian xanh tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Trà Vinh. (Ảnh: TTXVN phát)
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu đặt ra là quán triệt và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg (sau đây viết tắt là Quy hoạch hệ thống du lịch) bảo đảm hiệu quả, hiệu lực.
Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm bố trí, phân bổ nguồn lực của Nhà nước cũng như thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp trong Quy hoạch hệ thống du lịch.
Cùng với đó thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo, trên nền tảng tăng trưởng xanh, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam...; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…
Nguyên tắc triển khai các dự án
Các dự án phải phù hợp với các định hướng phát triển của đất nước; với quan điểm, mục tiêu, định hướng đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh; phù hợp với Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.”
Đồng thời phải phù hợp với pháp luật hiện hành; bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế, nhất là cam kết liên quan đến bảo vệ di sản và các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương mà Việt Nam là thành viên. Là các dự án quan trọng đã được xác định trong quy hoạch vùng; các dự án phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Khách du lịch đến tham quan chụp ảnh tại Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Các dự án ưu tiên đầu tư của ngành du lịch được đề xuất trong quy hoạch được phân thành các nhóm dự án về: Chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển thương hiệu; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường..., dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá cho phát triển du lịch gắn với hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch, hệ thống các Khu du lịch quốc gia và các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch, kinh tế-xã hội trên các vùng và cả nước.
Tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch (đặc biệt là các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận); xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch và nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia và cấp vùng; phát triển sản phẩm mới; phát triển nguồn nhân lực...
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng ưu tiên phát triển hệ thống du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để tổ chức thu hút các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công đầu tư phát triển hệ thống du lịch theo các quy hoạch, kế hoạch bảo đảm hiệu quả và đúng quy định.
Những năm gần đây, Sì Thâu Chải, Lai Châu, là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Khu vực tư nhân là nguồn lực chính tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và các công trình hạ tầng chức năng thuộc các khu, điểm du lịch.
Theo kế hoạch này, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, tập trung vào các hạng mục: hệ thống hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch; hệ thống hạ tầng trong các khu, điểm du lịch; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tập trung vào các hạng mục: hệ thống thương hiệu du lịch Việt Nam, hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đa dạng; ưu tiên các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc sắc theo vùng, miền và dựa trên bản sắc văn hóa Việt Nam và thế mạnh về sinh thái, văn hóa các vùng miền; phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch gắn với các loại hình du lịch tạo sự đồng bộ, hiện đại, tiện nghi trong các khu du lịch, điểm du lịch…
Sử dụng đất bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả
Căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Nghị quyết số 39/2021/QH15); các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 (Quyết định số 326/QĐ-TTg); điều chỉnh phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 (Quyết định số 227/QĐ-TTg), Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai để triển khai các chương trình, dự án du lịch trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển du lịch tại địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Cảnh đẹp ngoạn mục của những thửa ruông bậc thang ở Sa Pa thu hút du khách. (Ảnh: TTXVN)
Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ các nguồn: vốn khu vực nhà nước (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức-ODA và quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch); vốn khu vực ngoài nhà nước (nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Có cơ chế phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch.
Trong quá trình xây dựng, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, yêu cầu thực tiễn và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.
Tại Quyết định này, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ke-hoach-phat-trien-he-thong-du-lich-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2045-post1014252.vnp