Dự thảo “Đề án Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TPHCM” hôm nay (18/7) được Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) trình lên UBND thành phố. Trong đề án, TPHCM có tham vọng chuyển đổi 400.000 xe máy chạy xăng của tài xế công nghệ sang xe máy điện.
Áp lực lên lưới điện
Tài xế công nghệ có đặc điểm phải di chuyển liên tục. Áp lực về thời gian là rất lớn vì đối với họ, thời gian chính là thu nhập. Ngay cả mẫu xe Camel của Selex được thiết kế dành riêng cho tài xế giao hàng, thời gian sạc đến 4 tiếng mỗi lần vẫn là một trở ngại lớn. Lựa chọn duy nhất đối với tài xế là sạc qua đêm.
Hầu hết mẫu xe điện hiện nay sử dụng pin ắc quy chì không cho phép tháo rời pin. Người dùng vì thế buộc phải sạc xe tại các trạm đặt ngoài đường hoặc trong khuôn viên chung cư, trung tâm thương mại.
Còn đối với đa số mẫu xe điện sử dụng pin lithium, người dùng có thể tháo rời pin để sạc qua đêm tại nhà, khắc phục rào cản về thời gian sạc đối với tài xế công nghệ.
Từ phân tích trên trong đề án, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc HIDS, đánh giá xe 2 bánh có lợi thế hơn xe ô tô trong quá trình sạc. Bởi, tài xế cắm sạc vào buổi tối, ban ngày xe di chuyển. Xe 2 bánh hoàn toàn có thể sử dụng nguồn điện sinh hoạt để sạc.
Cơ quan nghiên cứu đề xuất xây dựng hệ thống trạm sạc điện phục vụ chuyển đổi 400.000 xe hai bánh chạy xăng sang chạy điện cho tài xế công nghệ. Ảnh: Thanh Tùng
Dẫu vậy, nếu chuyển đổi khoảng 400.000 xe hai bánh công nghệ lưu hành với cường độ cao sang sử dụng điện, sẽ đòi hỏi nguồn cung năng lượng lớn của thành phố.
“Trong đề án của mình, chúng tôi đề xuất Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cân nhắc đặt nhiều trạm biến áp hơn và nâng cấp lưới điện để đảm bảo nhu cầu sạc của cả xe 2 bánh và 4 bánh trong tương lai”, ông Hải nói với PV VietNamNet.
Đề án của HIDS cho thấy, hệ thống điện trên địa bàn thành phố duy trì được mức độ dự phòng điện lưới truyền tải bình quân khoảng 40% với khả năng đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định. EVNHCMC cũng đã xây dựng kế hoạch vốn đầu tư cho lưới điện 220-110 kV giai đoạn 2021-2025 với số tiền hơn 30.200 tỷ đồng.
Đối với lưới điện trung hạ áp 22/0,4 kV, TPHCM đã xây dựng Kế hoạch “Ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. Dự kiến, hết năm 2025, tỷ lệ ngầm hóa trên địa bàn đạt 50-60% đối với lưới điện trung thế và đạt 35-40% đối với lưới điện hạ thế.
Tuy nhiên, theo HIDS, việc xây dựng kế hoạch đầu tư lưới điện chưa xem xét đến sự xuất hiện của phương tiện giao thông điện và các trạm sạc. Công suất sạc nhanh DC có thể lên đến 350 kW mỗi điểm sạc. Nếu nhiều trạm sạc xuất hiện trong giờ cao điểm, áp lực lên mạng lưới điện địa phương sẽ rất lớn.
Do đó, để thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông điện, TPHCM cần phải đưa vấn đề phụ tải liên quan đến hoạt động của hệ thống trạm sạc vào kế hoạch đầu tư lưới điện sau này.
Một hạn chế khác là hạ tầng trạm sạc và đổi pin còn sơ khai, chưa đáp ứng được mục tiêu điện hóa phương tiện giao thông nói chung và xe hai bánh nói riêng.
TPHCM hiện chỉ có khoảng 600 điểm sạc công cộng (đáp ứng dưới 10% nhu cầu dự kiến cho 350.000 đến 400.000 xe điện hai bánh trong tương lai). Các trạm sạc này chủ yếu do một số doanh nghiệp tư nhân như VinFast, Selex, MBI thực hiện. Nhà nước gần như chưa tham gia đầu tư vào xây dựng mạng lưới trạm sạc cho xe điện.
Trong khi đó, quỹ đất dành cho trạm sạc xe điện nói chung và xe điện hai bánh nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là trong khu vực nội thành, nơi có giá trị đất cao.
Để hiện thực hóa mục tiêu giao thông điện bền vững, HIDS lưu ý TPHCM cần sớm hoàn thiện quy hoạch giao thông tĩnh, mở rộng diện tích dành cho bến bãi, thúc đẩy đầu tư công cộng vào mạng lưới trạm sạc, phát triển cơ chế liên ngành nhằm ban hành nhanh các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, quy chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ bảo trì trạm sạc.
Trạm sạc là vấn đề lớn cho ô tô và xe máy điện. Ảnh: L.B
Cần thuận tiện cho tài xế
Dựa trên phân tích dữ liệu hành trình của tài xế, HIDS đề xuất bố trí các trạm sạc tại TPHCM như sau: Trạm sạc nhanh ≥ 60 kW tại các bãi dừng nghỉ lớn; trạm đổi pin tốc độ cao (≤ 90s) tại các điểm giao hàng trọng điểm; trạm sạc chậm 3.3 kW lắp tại nhà xe chung cư cho tài xế nghỉ ban đêm.
Cơ quan nghiên cứu của TPHCM khuyến khích triển khai trạm sạc tích hợp đa phương tiện, dùng chung mặt bằng và hạ tầng điện, cấu hình khuyến nghị gồm: sạc nhanh DC ≥ 60 kW; sạc chậm AC 3,3-11 kW; và tủ đổi pin 1-2 kW. Những điểm này ưu tiên bố trí tại đất công ở nút giao thông đô thị.
Cùng với đó, bản đồ “điểm nghẽn” lưới điện cần được thiết lập, nhằm xác định 12 nút 22kV có nguy cơ quá tải, ưu tiên nâng cấp xong giai đoạn 2025-2027, khẳng định khả năng đấu nối cấp điện cho trạm sạc.
Biểu giá điện linh hoạt dành riêng cho trạm sạc hai bánh, theo đề xuất của HIDS, là giảm 30% giá điện từ 23h- 5h; phụ thu 20% giờ cao điểm từ 17h-21h nhằm khuyến khích dịch tải sang đêm. Ngoài ra, phần mềm nhận tín hiệu quá tải và giảm công suất sạc nhanh sẽ được áp dụng để tránh sập lưới khu vực.
Theo lộ trình của đề án, từ tháng 07/2025-12/2026, mục tiêu chuyển đổi đạt 120.000 xe điện, tương đương khoảng 30% số lượng tài xế công nghệ trên toàn TPHCM.
Trong giai đoạn này, thành phố lắp đặt 250 trạm sạc/đổi pin đạt chuẩn công suất ≤ 15kW, đảm bảo hạ tầng thiết yếu phục vụ lượng xe điện mới, góp phần giảm nỗi lo về sạc pin. Thành phố bố trí trạm sạc/đổi pin theo nguyên tắc “tam giác 2km” đảm bảo độ phủ hợp lý, thuận tiện cho tài xế, giảm thời gian chờ sạc và di chuyển.
Từ tháng 1-12/2027, mục tiêu nâng tổng số xe điện lên 320.000 chiếc, tương đương trên 80% lượng tài xế. Thành phố xây dựng 1.000 điểm sạc/đổi pin công cộng, trong đó 750 điểm đổi pin mô-đun giúp tăng nhanh khả năng nạp năng lượng cho xe.
Mạng lưới trạm sạc “tổ ong” với bán kính phục vụ nhỏ (1km nội đô, 3km ngoại thành) đảm bảo tài xế tiếp cận thuận tiện, giảm thiểu thời gian và quãng đường di chuyển để sạc. Đồng thời, thành phố lắp đặt điện mặt trời áp mái ở ít nhất 200 điểm giúp giảm tải lưới điện và tăng tính bền vững năng lượng cho hệ thống.
Từ tháng 1-12/2028, đạt 400.000 xe điện tham gia dịch vụ xe công nghệ. Lúc này, mạng lưới tăng lên khoảng 2.400 điểm sạc/đổi pin với tỷ lệ 20% trạm sạc được trang bị điện mặt trời và hệ thống quản lý năng lượng tiên tiến giúp điều phối phụ tải theo thời gian thực, giảm áp lực lưới điện.
Trần Chung