Việc ban hành Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm việc tổ chức thực hiện Luật được triển khai kịp thời, toàn diện, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và đúng pháp luật; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thi hành Luật, qua đó tăng cường sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.
Việc ban hành Kế hoạch cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và khả thi để chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, theo đúng tinh thần của Luật, phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, bảo đảm hoạt động liên thông, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và sát thực tiễn.
Kế hoạch gồm các nội dung đó là: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổ chức hội nghị quán triệt, tập huấn chuyên sâu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổ chức bộ phận thường trực để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi tổ chức thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương và chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Trụ sở UBND phường Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ban hành văn bản trong trường hợp cần giải quyết các vấn đề phát sinh khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo quy định tại khoản 9 Điều 54 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tổ chức đánh giá, tổng kết các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực; đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Kế hoạch, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ giải quyết vướng mắc khi tổ chức chính quyền 2 cấp. Bộ phận thường trực xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương được thành lập theo Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm nhận thêm việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi tổ chức thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cơ quan thực hiện là các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện từ nay đến hết ngày 31/10/2025.
Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo kế hoạch, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Nghị định của Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND; số lượng và cơ cấu Ủy viên UBND;trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn kết quả Hội đồng nhân dân bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; trình tự, thủ tục điều động, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, giao quyền Chủ tịch UBND, hoàn thành trong tháng 8/2025.
Nghị định của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Các Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND cấp tỉnh, cấp xã, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Nghị định của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND đặc khu quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Nghị định của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND đặc khu quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, hoàn thành trong tháng 10/2025.
Đồng thời, xây dựng Nghị định của Chính phủ về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hoàn thành trong tháng 11/2025…
P.V