Kế hoạch từ bỏ vũ khí Mỹ của Châu Âu khiến Washington lo lắng

Kế hoạch từ bỏ vũ khí Mỹ của Châu Âu khiến Washington lo lắng
13 giờ trướcBài gốc
Binh lính tham gia cuộc tập trận quân sự Dynamic Mariner 25 tại bãi biển Retin ở Barbate, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Mỹ đã yêu cầu các thành viên NATO châu Âu tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Các quan chức châu Âu đồng ý châu lục phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo quốc phòng của chính mình, với sự dao động về mức độ tin cậy của Mỹ, quốc gia trước đây cung cấp phần lớn năng lực quân sự đắt đỏ nhất của lục địa này.
Châu Âu đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp quân sự, mở đường cho một tổ hợp công nghiệp quân sự nội địa hùng mạnh hơn.
Reuters trích dẫn các nguồn tin ẩn danh cho biết các quan chức Mỹ đã thông báo với các đồng minh châu Âu họ muốn lục địa này tiếp tục mua vũ khí của Mỹ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết Rubio sẽ thảo luận về lập trường của Mỹ đối với các đơn đặt hàng vũ khí từ các công ty Mỹ cho châu Âu trong chuyến thăm Brussels tuần này. “Đây là vấn đề mà bộ trưởng nêu”, vị quan chức này cho biết.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này vẫn “cam kết cung cấp cho các đồng minh và đối tác các sản phẩm quốc phòng chất lượng cao với giá cả cạnh tranh để hỗ trợ nhu cầu tự vệ”.
Mặc dù Mỹ “hoan nghênh” động thái thúc đẩy quốc phòng của châu Âu, nhưng “hợp tác công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương sẽ khiến Liên minh mạnh mẽ hơn”, người phát ngôn cho biết.
“Các công ty quốc phòng Mỹ là một phần không thể thiếu của cơ sở công nghiệp xuyên Đại Tây Dương và chuỗi cung ứng toàn cầu; mang đến các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới và giá cả cạnh tranh giúp tăng cường năng lực quốc phòng của Châu Âu với tốc độ và quy mô cần thiết”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Binh lính Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận quân sự Dynamic Mariner 25. Ảnh: Reuters.
Đầu tháng 1, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi chống lại việc hình thành “những rào cản mới” giữa các thành viên liên minh, điều này sẽ “làm tăng chi phí, làm phức tạp sản xuất và cản trở sự đổi mới”. Rutte cho biết việc thu hút các thành viên NATO không thuộc EU tham gia mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng là “cần thiết”.
Ủy ban châu Âu cũng đã công bố kế hoạch Tái vũ trang châu Âu (ReArm Europe) vào tháng trước, nhằm mục đích giúp các quốc gia thành viên dễ dàng hơn trong việc chuyển hướng đầu tư vào quốc phòng. Ủy ban châu Âu cho biết đề xuất nhiều lớp này sẽ giải phóng hơn 860 tỷ đô la cho đầu tư quân sự và cung cấp cho các quốc gia quyền tiếp cận khoảng 160 tỷ đô la trong các khoản vay do EU bảo lãnh để “tăng cường năng lực quốc phòng thông qua mua sắm chung”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, những nỗ lực tái vũ trang sẽ tập trung vào tên lửa phòng không, đạn pháo, máy bay không người lái cũng như các lĩnh vực khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người mạnh mẽ vận động các nước châu Âu lựa chọn mua sắm trong lục địa. “Những ai mua Patriot của Mỹ nên được cung cấp hệ thống SAMP/T thế hệ mới của Pháp-Ý”, Macron phát biểu, ám chỉ đến hệ thống phòng không trước đây được chính quyền Paris mô tả là “hệ thống hoàn toàn của châu Âu”.
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố vào tháng 3, Mỹ là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới trong 4 năm qua, chiếm 43% lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc tập trận Steadfast Dart 25 của NATO tại Smardan, Romania. Ảnh: Bloomberg.
Một số quan chức châu Âu cho biết Mỹ có thể “bực bội” trước động thái phát triển ngành công nghiệp quân sự tại châu Âu, nhưng ngay cả khi những nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, châu Âu vẫn cần phải xây dựng ngành công nghiệp quân sự của riêng mình.
Trên thực tế, đã xuất hiện lo ngại quân đội châu Âu sẽ bị Washington hạn chế sử dụng vũ khí Mỹ, xuất phát từ những hạn chế áp đặt lên việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại Nga, như tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.
Nhiều đồng minh của Mỹ đang trong quá trình nhận đơn đặt hàng máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ bày tỏ lo ngại máy bay này tích hợp “công tắc” có thể được Nhà Trắng sử dụng để tác động đáng kể đến hiệu suất hoạt động của máy bay, nếu can thiệp vào việc nâng cấp phần mềm hoặc thay đổi quyền truy cập vào thông tin tình báo.
Hiện vẫn chưa rõ các quốc gia NATO châu Âu sẽ tuân thủ ranh giới như thế nào giữa việc cố gắng giữ Washington đứng về phía mình bằng cách lựa chọn vũ khí do Mỹ sản xuất và tăng cường củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của châu Âu.
TD
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/ke-hoach-tu-bo-vu-khi-my-cua-chau-au-khien-washington-lo-lang-244481.htm