Kè Thường Thới Tiền bị sụp lún, sạt lở hàng trăm mét

Kè Thường Thới Tiền bị sụp lún, sạt lở hàng trăm mét
2 ngày trướcBài gốc
Một đoạn kè Thường Thới Tiền bị sụp lún, sạt lở “ăn sâu” vào chân kè.
Công trình Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Kè Thường Thới Tiền) đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2017. Từ tháng 10/2024 đến nay, Kè Thường Thới Tiền bị sụp lún, sạt lở nhiều điểm với tổng chiều dài hàng trăm mét, gây hư hỏng phần chân kè và mái kè. Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị liên quan đang tìm kiếm, đề xuất phương án khắc phục sự cố sụp lún, sạt lở tại công trình này.
Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 16/4 tại kè Thường Thới Tiền, đoạn kè đối diện Nhà máy Chế biến trái cây Nova Thabico bị sụp lún, sạt lở nghiêm trọng, làm hư hỏng toàn bộ phần chân kè và mái kè với chiều dài hơn 60m. Cơ quan chức năng đã gia cố tạm thời bằng vải địa kỹ thuật nhằm hạn chế tác động gây sạt lở từ dòng chảy và việc các phương tiện thủy lưu thông. Tuy nhiên, dưới chân kè đã xuất hiện “hàm ếch” với một khoảng không khá lớn. Xung quanh khu vực sạt lở, xuất hiện nhiều vết nứt, có dấu hiệu tiếp tục sụp lún.
Ông Nguyễn Văn Đém ở gần khu vực kè Thường Thới Tiền cho biết, công trình kè hoàn thành rất đẹp kết hợp làm đường giao thông rộng rãi, giúp ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông Tiền. Gần đây, xuất hiện những điểm sụp lún, sạt lở ăn sâu vào chân kè, ông Đém cảm thấy lo lắng vì nếu không sớm khắc phục thì tình hình sụp lún, sạt lở kè Thường Thới Tiền có thể diễn ra nghiêm trọng hơn, nhất là vào mưa lũ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Đường cho hay, kè Thường Thới Tiền thuộc Dự án “Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID) tài trợ, tổng chiều dài 4.065m, chia làm 3 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 dài 2.765m, hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 3/2017; giai đoạn 2 dài 460m và giai đoạn 3 dài 840m, cùng hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 10/2019.
Tổng chiều dài sụp lún, sạt lở của kè Thường Thới Tiền khoảng 116m với 3 điểm (nằm ở giai đoạn 1 của dự án). Cụ thể, điểm sụp lún, sạt lở thứ nhất dài 66m tại vị trí đối diện Nhà máy chế biến trái cây Nova Thabico, đã làm hư hỏng toàn bộ phần chân kè và mái kè. Điểm sạt lở thứ 2 cách điểm thứ nhất khoảng 25m về phía hạ lưu sông Tiền với chiều dài khoảng 30m, làm hư hỏng toàn bộ phần chân kè và một phần mái kè. Còn điểm sạt lở thứ 3 dài khoảng 20m, làm hư hỏng toàn bộ phần chân kè và một phần mái kè, cách vị trí sạt lở thứ nhất khoảng 1.100m về phía thượng lưu sông Tiền.
Ngay sau khi sạt lở xảy ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Hồng Ngự khảo sát thực tế nhằm đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý đoạn sạt lở mái, chân kè Thường Thới Tiền. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn gửi Viện Kỹ thuật Biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) hỗ trợ khảo sát, đánh giá tình hình sụp lún, sạt lở công trình kè chống sạt lở thị trấn Thường Thới Tiền.
Một đoạn kè Thường Thới Tiền bị sụp lún, sạt lở “ăn sâu” vào chân kè.
Theo Viện Kỹ thuật Biển, về địa hình lòng sông khu vực sạt lở, theo kết quả chập ghép địa hình ở giai đoạn nghiệm thu hoàn thành công trình (tháng 12/2016) và địa hình đo vào ngày 9/1/2025 cho thấy, địa hình lòng sông bị hạ thấp rất nhiều. Mức hạ thấp phổ biến từ 2m đến 7m, phạm vi hạ thấp từ thảm đá cơ kè ra phía ngoài sông khoảng 180m đến 200m so với thời điểm nghiệm thu và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Vì vậy, để có cơ sở đánh giá ổn định cho công trình cần phải khảo sát địa hình toàn bộ lòng sông phạm vi công trình và khu vực lân cận, từ đó sớm có giải pháp xử lý, khắc phục để đảm bảo ổn định công trình.
Viện Kỹ thuật Biển thông tin thêm, công trình kè Thường Thới Tiền (giai đoạn 1) đã thi công hoàn thành tháng 12/2016, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 3/2017 và xóa bảo hành vào tháng 3/2018. Công trình đã bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, công trình không được quan trắc, theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn; không kiểm tra, sửa chữa công trình trước và sau mùa mưa lũ. Vì vậy, khi công trình có sự cố thì mới phát hiện ra và khi đó công trình đã mất ổn định và công tác sửa chữa rất phức tạp, tốn kém.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Đường nêu rõ, hiện nay, tình hình sụp lún, sạt lở tại khu vực kè Thường Thới Tiền diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn kết cấu công trình kè phòng chống thiên tai; đồng thời theo ý kiến UBND huyện Hồng Ngự do năng lực, kinh nghiệm xử lý sụp lún, sạt lở kè của các phòng chuyên môn của huyện còn hạn chế và ý kiến thống nhất của các sở, ngành liên quan, Sở Nông nghiệp và Môi trường vừa đề xuất UBND tỉnh thống nhất cho chủ trương thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục lâu dài cho các đoạn sụp lún, sạt lở nói trên; giao Sở Nông nghiệp và Môi trường làm chủ đầu tư thực hiện khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục sụp lún, sạt lở tại khu vực kè Thường Thới Tiền.
Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/cong-dong/ke-thuong-thoi-tien-bi-sup-lun-sat-lo-hang-tram-met-20250417152009936.htm