Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 125% với hàng Trung Quốc, đồng thời tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày cho hơn 75 quốc gia không trả đũa Mỹ. Căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung trở lại, đặt nhiều nền kinh tế trong đó Việt Nam đứng trước thách thức mới.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý (ĐH Kinh tế TP.HCM) đây cũng là thời điểm để Việt Nam chủ động đàm phán, nâng cao nội lực và tăng cường hợp tác công - tư nhằm duy trì đà tăng trưởng và vững vàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khó khăn tức thời cho chuỗi cung ứng
- Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung leo thang trở lại với tuyên bố áp thuế kỷ lục và động thái hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày, ông đánh giá tác động tức thời của những biến động này đến chuỗi cung ứng, hoạt động xuất khẩu và thương mại của Việt Nam ra sao?
+ TS Huỳnh Phước Nghĩa: Dù thông tin chi tiết về các mặt hàng và mức thuế cụ thể vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng động thái này chắc chắn tạo ra những căng thẳng mới. Với nhiều nhóm ngành hàng Trung Quốc có thể nằm trong danh sách bị áp thuế mới, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn và gần như không có khả năng phản ứng ngay lập tức.
Thực tế, việc điều chỉnh chuỗi cung ứng là cực kỳ phức tạp, không thể làm trong ngày một ngày hai. Nó liên quan đến nhà cung cấp, khách hàng, đơn hàng, logistics... vốn đã được thiết lập. Trong bối cảnh hiện nay, gần như không có doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, có thể chủ động điều chỉnh ngay toàn bộ chuỗi cung ứng của mình để thích ứng. Thông thường, các bên cần một khoảng "thời gian thở", có thể từ một đến ba tháng, tương đương khoảng 90 ngày, để xử lý các thủ tục, giấy tờ, điều chỉnh kế hoạch liên quan đến thuế.
Tuy nhiên, mục đích của các rào cản thương mại như thế này thường không phải để các bên có thời gian điều chỉnh từ từ, mà là để tạo ra sự thay đổi đột ngột, thậm chí là phá vỡ cấu trúc hiện có.
Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế
-Phóng viên:Vậy theo ông, những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong ngắn hạn là gì trước biến động thuế quan Mỹ - Trung? Những tác động này sẽ lan tỏa theo hướng nào đến chuỗi cung ứng, thị trường xuất khẩu và dòng vốn đầu tư?
+TS Huỳnh Phước Nghĩa: Khó khăn không chỉ dừng lại ở việc tìm nguồn cung thay thế hay xử lý thủ tục thuế. Toàn bộ chuỗi giá trị của nhiều ngành hàng quan trọng sẽ phải định hình lại. Lấy ví dụ các ngành như linh kiện điện tử, bán dẫn, hay xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày... Toàn bộ cấu trúc từ việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào ở đâu, nhà máy đặt tại quốc gia nào, quy mô sản xuất ra sao, sản phẩm có cần điều chỉnh để phù hợp với thị trường mới hay không... tất cả đều phải tính toán lại. Đây là một quá trình đòi hỏi thời gian, nguồn lực và không thể phản ứng tức thời.
Trước mắt, tác động dễ thấy nhất là tâm lý bất an bao trùm thị trường. Chúng ta sẽ thấy những "phản ứng nóng" như thị trường chứng khoán biến động mạnh, các doanh nghiệp ngập ngừng trong việc ký kết đơn hàng mới, thậm chí hủy đơn hàng cũ. Các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế sẽ có những phản ứng co cụm, phòng thủ trong ngắn hạn.
Về tăng trưởng kinh tế (GDP), là một nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu, sự gián đoạn thương mại giữa hai đối tác lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả tích cực, mục tiêu tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, ví dụ như kế hoạch cho năm 2025, sẽ đối mặt thách thức lớn.
Đối với lạm phát và tiêu dùng thì chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa từ các nước có thể tăng lên do thuế hoặc do phải tìm nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn. Điều này gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước, đẩy lạm phát tăng và ảnh hưởng đến sức mua, tiêu dùng nội địa.
Mỹ là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam. Ảnh: QH
Phương diện về việc làm và xã hội thì nếu tình hình căng thẳng kéo dài mà không có giải pháp hiệu quả trong 3-6 tháng tới, viễn cảnh doanh nghiệp khó khăn, thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, gia tăng thất nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là kịch bản không ai mong muốn.
Ngay cả khi có những động thái "đáp trả" lẫn nhau giữa các nước, ví dụ Mỹ giảm thuế mặt hàng này, Trung Quốc giảm thuế mặt hàng kia, thì việc Việt Nam phải điều chỉnh chính sách thuế theo cũng sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định cho sản xuất và thị trường nội địa.
Bài toán tự chủ và ứng phó ngắn hạn
- Phóng viên: Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến đề cập đến việc đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại (FTA) hay nâng cao năng lực nội tại. Theo ông, đâu là giải pháp thực sự hữu hiệu lúc này?
+ TS Huỳnh Phước Nghĩa: Các giải pháp như đa dạng hóa thị trường, tận dụng FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ nguyên phụ liệu... là những định hướng chiến lược đúng đắn và chúng ta đã nói đến rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài hạn. Thực tế, khi Việt Nam hội nhập sâu và phụ thuộc vào FDI, chúng ta chấp nhận trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này có lợi thế nhưng cũng đi kèm rủi ro bị động khi có biến động lớn như thế này.
Muốn thực sự vững vàng, không có con đường nào khác ngoài việc phải tự chủ được những ngành công nghiệp nền tảng, làm chủ từ nguyên liệu, công nghệ đến sản phẩm cuối cùng. Trung Quốc đã mất hàng chục năm với nguồn lực khổng lồ để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của họ là một ví dụ. Khi chúng ta tự chủ được, chúng ta sẽ có vị thế khác trong các cuộc đàm phán thương mại và ít bị tổn thương hơn. Nếu chỉ gia công, lắp ráp, chúng ta sẽ mãi ở thế bị động.
Doanh nghiệp cần từng bước điều chỉnh chiến lược, tìm kiếm thị trường, nguồn cung mới, nâng cao năng lực để thích ứng với bối cảnh mới trong dài hạn. Ảnh: QH
Tuy nhiên, đó là giải pháp căn cơ, dài hạn. Còn trước mắt, trong tình thế "nước sôi lửa bỏng" này, chúng ta cần hành động cấp bách.
Điều quan trọng nhất bây giờ là sự phối hợp chặt chẽ, "kề vai sát cánh" giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Chúng ta cần song hành hai nhiệm vụ. Thứ nhất là đàm phán khẩn trương của Chính phủ, với sự cung cấp thông tin và đồng hành từ các hiệp hội, doanh nghiệp, cần ráo riết đàm phán với phía Mỹ để tìm kiếm những giải pháp có lợi nhất, cố gắng trì hoãn việc áp thuế hoặc xin các điều khoản loại trừ cho những ngành hàng, những hợp đồng đang thực hiện. Phải chứng minh được Việt Nam không phải là nơi để "mượn đường" né thuế.
Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Đồng thời dẫn dắt, định hướng để doanh nghiệp từng bước điều chỉnh chiến lược, tìm kiếm thị trường, nguồn cung mới, nâng cao năng lực để thích ứng với bối cảnh mới trong dài hạn.
- Phóng viên: Đối với các doanh nghiệp đang như "ngồi trên đống lửa", đặc biệt là những doanh nghiệp có đơn hàng lớn sang Mỹ hoặc phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, ông có lời khuyên cụ thể nào?
+ TS Huỳnh Phước Nghĩa: Đây thực sự là tình thế khó xử. Nhiều doanh nghiệp, ví dụ như ngành thủy sản, dệt may, đang phân vân không biết có nên ký hợp đồng mới, có nên tiếp tục giao những lô hàng đang chuẩn bị hay chấp nhận hủy, chịu lỗ.
Lúc này, doanh nghiệp không nên hành động đơn lẻ. Doanh nghiệp phải liên tục cập nhật thông tin chính thức từ Chính phủ, các bộ ngành và hiệp hội về diễn biến đàm phán và các hướng dẫn chính sách.
Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin, khó khăn, vướng mắc của mình cho các hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước để Chính phủ có cơ sở và luận cứ vững chắc khi đàm phán.
Như đã nói, trong các quy định về thuế thường có những điều khoản loại trừ. Doanh nghiệp cần cùng với các chuyên gia pháp lý, tư vấn xem xét kỹ hợp đồng, quy trình để xem có khả năng áp dụng các điều khoản này cho những lô hàng, hợp đồng hiện hữu hay không.
Và dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn cần xây dựng các kịch bản kinh doanh khác nhau (xấu nhất, trung bình, tốt nhất) để có phương án ứng phó linh hoạt, tránh bị động hoàn toàn.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?
- Phóng viên: Ông có thể phác thảo một vài kịch bản có thể xảy ra đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới do biến động thuế quan Mỹ - Trung cũng như mức thuế đối ứng Mỹ sẽ áp cho Việt Nam, đặc biệt là với dòng vốn FDI?
+ TS Huỳnh Phước Nghĩa: Việc đưa ra một kịch bản chi tiết và chính xác vào lúc này là rất khó khăn. Mặc dù nhiều bên đang cố gắng tổng hợp thông tin để dự đoán tác động cụ thể lên từng ngành, nhưng phần lớn vẫn chỉ dựa trên các giả định do tình hình còn nhiều biến động.
Tuy nhiên, một số xu hướng hoặc kịch bản có thể xảy ra trong ngắn hạn. Trước hết, ưu tiên đàm phán trì hoãn và loại trừ: Kịch bản quan trọng hàng đầu là Việt Nam cần tập trung nỗ lực đàm phán để thuyết phục phía Mỹ trì hoãn việc áp dụng thuế đối với một số lĩnh vực, ngành hàng nhạy cảm. Đồng thời, cần xin được các điều khoản loại trừ (miễn trừ) cho những giao dịch, hợp đồng hoặc lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích và đã có cam kết. Đây được xem là ưu tiên cấp bách trong giai đoạn trước mắt.
Doanh nghiệp buộc phải thích ứng điều chỉnh chuỗi cung ứng. Ảnh: QH
Thứ hai, với biến động thuế quan Mỹ - Trung, Việt Nam có thể phải điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch xuất khẩu. Gần như chắc chắn Việt Nam sẽ phải xem xét, điều chỉnh lại các mục tiêu và kế hoạch xuất khẩu của mình, đặc biệt là kim ngạch hướng đến thị trường Mỹ, trong các kế hoạch kinh tế trung hạn như năm 2025 và các năm tiếp theo. Với quy mô xuất khẩu lớn sang Mỹ, việc điều chỉnh lại cơ cấu thị trường và mục tiêu là điều cần thiết để phù hợp với tình hình mới.
Xu hướng doanh nghiệp buộc phải thích ứng chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị bị ảnh hưởng, sẽ không còn cách nào khác là phải tìm cách điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình. Họ phải đối mặt và tìm giải pháp cho bối cảnh chi phí đầu vào tăng, áp lực lạm phát gia tăng và giá cả hàng hóa biến động khó lường.
QUANG HUY