Kênh đào Panama lại dậy sóng

Kênh đào Panama lại dậy sóng
16 giờ trướcBài gốc
Con kênh do người Mỹ đào
Tuyên bố được ông Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình ngày 21/12 và ngay lập tức gây chú ý trên thế giới do tính chất nhạy cảm của con kênh đào lịch sử này. Dư luận đặt lại câu hỏi: “Ai sở hữu kênh đào” mà ông Trump lại tuyên bố như thế?
Về mặt chính thức, hiện Chính phủ Panama là chủ sở hữu và điều hành kênh đào thông qua cơ quan chuyên trách có tên gọi là Cơ quan quản lý kênh đào Panama. Quyền sở hữu này được xác lập đến nay là 25 năm.
Trước đó, nước Mỹ là chủ thể đã vận hành kênh đào trong suốt thế kỷ 20. Mỹ đã nắm quyền kiểm soát vùng đất được gọi là Vùng kênh đào (Canal Zone) sau khi giúp Panama giành được độc lập từ Colombia và bắt đầu xây dựng kênh đào này vào năm 1904. Sau 10 năm đào đắp, kênh chính thức được khai trương vào năm 1914, làm thay đổi ngành vận tải biển toàn cầu và cho phép hàng nghìn tàu chở hàng và tàu chiến Mỹ đi qua mỗi năm.
Người Panama bày tỏ thái độ phản đối trước Đại sứ quán Mỹ tại Panama.
Việc Mỹ kiểm soát kênh đào Panama và việc không cho người Panama tham gia vận hành kênh đã tạo ra căng thẳng giữa người dân địa phương và du khách Mỹ, khiến chính quyền phải dựng một bức tường ngăn cách giữa thành phố Panama City và Vùng kênh đào vào những năm 1950.
Ngày 9/1/1964, một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra và 28 người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp của chính quyền, gây ra sự phẫn nộ của quốc tế và khuyến khích các nhà chiến lược Mỹ nghĩ đến việc từ bỏ quyền kiểm soát kênh. Thế nhưng, cũng phải 13 năm sau, vào năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos mới bắt đầu ký 2 hiệp ước để chấm dứt dần quyền kiểm soát kênh đào của Mỹ. Sau một thời gian quản lý chung, bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 1989 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo quân sự Manuel Noriega, Panama đã giành toàn quyền kiểm soát kênh đào vào năm 1999.
Trong tuyên bố của mình, ông Trump yêu cầu Panama trả lại kênh đào cho Mỹ trừ khi họ quản lý tuyến đường thủy theo cách mà ông cho là chấp nhận được. Tổng thống đắc cử Mỹ đã phản đối những gì ông mô tả là mức giá “cắt cổ” mà chính phủ, hải quân và các doanh nghiệp Mỹ phải trả khi sử dụng tuyến đường này. “Các khoản phí mà Panama tính là vô lý”, ông viết. “Việc này sẽ ngay lập tức chấm dứt”.
Các tàu sử dụng kênh đào phải trả phí do cơ quan quản lý kênh đào quy định. Mức phí thay đổi đã tăng vọt trong những năm gần đây trong bối cảnh hạn hán trở nên tồi tệ hơn do tình trạng nóng lên toàn cầu, làm cạn kiệt các hồ chứa nước thiết yếu và làm giảm công suất của kênh đào. Do hạn hán nghiêm trọng vào cuối năm 2023, chỉ có 22 tàu đi qua kênh đào mỗi ngày thay vì 36 tàu như thường lệ, buộc các tàu phải xếp hàng trong nhiều tuần hoặc phải trả tới 4 triệu USD để được đi trước. Lượng tàu đi qua đã giảm gần một phần ba trong năm tính đến tháng 9 này.
Cơ quan quản lý kênh đào đã tìm cách thúc đẩy số lượng tàu thuyền sử dụng kênh đào tăng lên trong năm 2024, giảm bớt tình trạng tắc nghẽn, nhưng sẽ tăng phí và áp dụng một số loại phí bổ sung vào ngày 1/1/2025. Tổng thống Panama José Rául Mulino cho biết phí quá cảnh của kênh đào không bị thổi phồng.
Ông Trump cũng cảnh báo rằng sẽ không để kênh đào rơi vào tay “kẻ xấu” và dường như ám chỉ rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến nó. Một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong kiểm soát 2 trong số 5 cảng liền kề với kênh đào, mỗi bên một cảng, nhưng ông Mulino cho biết Panama có toàn quyền kiểm soát kênh đào. “Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều là một phần của Panama và sẽ tiếp tục như vậy”, ông nói trong một tuyên bố video vào Chủ nhật.
Kênh đào Panama là của người Panama
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy chính nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cho phép tàu thuyền đi biển tránh được thêm 7.000 hải lý (13.000 km) quanh mũi Nam Mỹ. Kênh đào dài 82 km, cắt ngang giữa Panama, quốc gia nằm giữa dải đất Trung Mỹ và Nam Mỹ. Trong năm 2024, tính đến ngày 30/9, gần 10.000 tàu đã đi qua kênh đào, chở 423 triệu tấn hàng hóa, bao gồm thực phẩm, khoáng sản và các sản phẩm do nhà máy sản xuất. Hơn 40% hàng tiêu dùng được giao dịch vào năm ngoái giữa Đông Bắc Á và bờ biển phía Đông nước Mỹ đã được vận chuyển qua kênh đào. Mỹ là khách hàng lớn nhất của kênh đào, chiếm khoảng 3/4 lượng hàng hóa di chuyển qua kênh đào này mỗi năm, trong khi Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai.
Ngày 21/12, một quan chức của Chính phủ Panama đã nói với Bloomberg rằng ông đã biết về tuyên bố của ông Trump và sẽ có phản hồi chính thức trong những ngày tới.
Tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đòi “lấy lại” con kênh đào đã khơi lại những “vết thẹo quá khứ”, từ đó khiến người dân Panama một lần nữa nổi cơn thịnh nộ. Một vài cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra trước Đại sứ quán Mỹ tại Panama mấy ngày qua, đốt ảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump, hô vang những lời thóa mạ và đả kích ông, kiểu như “Trump, hãy để kênh đào yên” và “Cút đi, bọn gringo xâm lược”. Một số người trong đám đông mang theo biểu ngữ có dòng chữ “Donald Trump, kẻ thù công cộng của Panama”.
Ngày 25/12, giữa lúc người dân Panama “sôi sục” vì tuyên bố đòi quyền kiểm soát kênh đào, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại đề cử Kevin Marino Cabrera, một quan chức của bang Florida, làm Đại sứ Mỹ tại Panama trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Những động thái của ông cho thấy kênh đào Panama sẽ trở thành vấn đề mấu chốt trong quan hệ hai nước Mỹ-Panama khi ông lên nắm quyền vào ngày 20/1/2025.
Trương Hùng (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/kenh-dao-panama-lai-day-song-i754838/