Nỗ lực đáng ghi nhận
Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh rạch gắn với triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 và Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường, qua đó đạt được những kết quả tích cực.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi cải tạo.
Một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường là việc vớt rác trên các tuyến đường thủy, kênh rạch nội đô. Từ phương pháp thủ công ban đầu, năm 2020 thành phố đã chuyển sang ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp tăng năng suất và hiệu quả vớt rác lên gấp nhiều lần, khi thí điểm ở sông Vàm Thuật-Trường Đai-Tham Lương và sông Sài Gòn. Một trong những dự án tiêu biểu là cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hiện nay, các chức năng sinh học của hệ thống kênh đã được khôi phục, nước kênh trong, bớt mùi, thoát nước tốt, cảnh quan dọc kênh được cải thiện mang một diện mạo hoàn toàn mới cho khu vực.
Không chỉ thay đổi diện mạo, cảnh quan mà môi trường nước kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng trở nên trong lành để trở thành nơi tổ chức các giải đua ghe ngo truyền thống.
Trong năm 2024, thành phố chính thức khánh thành dự án nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, nhà máy lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Mới đây nhất, ngày 15-11, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo kết luận của chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc sẽ di dời toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch, nhằm khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường kết hợp chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất phát triển kinh tế.
TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục di dời toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch, nhằm khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường kết hợp chỉnh trang đô thị.
Bên cạnh những con số biết nói, những chương trình, dự án thiết thực của chính quyền các cấp trong lĩnh vực môi trường, còn phải kể đến sự chung tay, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thành phố. Đó là các chương trình tập huấn phân loại rác của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, những năm gần đây là hoạt động thiện nguyện dọn dẹp kênh rạch sôi nổi của các nhóm bạn trẻ như Sài Gòn xanh, Go Green… Những hoạt động đó đã góp phần khơi thông các kênh rạch, đồng thời lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới toàn cộng đồng.
Mỗi người dân là một “chiến sĩ” bảo vệ kênh rạch
Tuy đã đạt được nhiều thành công, công tác bảo vệ môi trường kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều thách thức. Việc duy trì kết quả đạt được và mở rộng diện tích các tuyến kênh sạch là một nhiệm vụ khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng với doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, hiện đại vào quá trình xử lý nước thải và tăng cường công tác giám sát, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Go Green, một tổ chức tập hợp những bạn trẻ, đã thu gom được hơn 165 tấn rác, “giải cứu” được hơn 1.300m kênh, rạch bị ô nhiễm trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo anh Hồ Văn Vĩ, Trưởng nhóm Go Green thì vòng lặp xả rác-dọn rác-lại xả rác cứ diễn ra đều đặn nên có vớt rác bao nhiêu lần cũng không thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm trên kênh rạch. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên có chế tài mạnh đối với những hành động xả rác bừa bãi, gắn camera giám sát cùng với các bảng tuyên truyền gần dòng kênh, để thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý các hành vi xả thải trái phép, đảm bảo mọi đối tượng đều phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Có như vậy mới răn đe mọi người dừng xả rác, trước khi “lay động” được ý thức của cộng đồng.
Hoạt động dọn rác của nhóm Go Green tổ chức tại Phường 5, quận Gò Vấp, nhận được hưởng ứng của người dân và các đoàn thể địa phương.
Đối với những người dân sống ven kênh rạch, việc giữ gìn bảo vệ môi trường không phải họ “ngó lơ”. Bà N.T.M.Anh, ngụ tại Phường 5, quận Gò Vấp giãi bày: “Đành rằng có một số người dân ý thức còn kém, vứt rác bừa bãi xuống kênh rạch. Nhưng phần đa cũng được chính quyền tuyên truyền bảo vệ cảnh quan nơi mình sống, quanh năm chúng tôi chịu cảnh hôi thối thì cũng không thể “tự mình đẩy mình xuống sông”. Nước kênh rạch đen ngòm còn do các chất thải sinh hoạt hàng ngày trong khu vực chạy thẳng ra kênh rạch, tích tụ lâu ngày nên ô nhiễm”.
Công nhân môi trường đô thị dọn rác trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.
Với xu hướng phát triển bền vững và những cam kết về môi trường của Việt Nam, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2025, thì việc các doanh nghiệp quan tâm ưu tiên và tập trung phát triển những mô hình bảo vệ môi trường cũng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. Sau 3 năm hoạt động, nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác thải, đại diện Ứng dụng Ve chai công nghệ (VECA) cho biết, đơn vị sẽ nâng cấp hệ thống công nghệ quản lý, kết hợp với các cơ quan chức năng và chủ vựa lập điểm thu gom cố định, việc mở rộng các điểm thu gom cố định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để VECA cùng các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các trạm xử lý, nhà máy tái chế nhằm thúc đẩy phân loại rác thải; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, khuyến khích người dân tham gia tích cực.
Ngăn chặn nguồn thải là một trong những giải pháp cốt lõi để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Ông Cao Sơn Liện, trú tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ngoài việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền thành phố và các tổ chức xã hội, cần tập trung vào việc ngăn chặn các chất thải xả trực tiếp ra môi trường để giải quyết tận gốc của vấn đề. Mỗi gia đình phải được trang bị hệ thống công nghệ xử lý nước thải phù hợp để lọc sạch nước thải trước khi đổ ra sông, kênh rạch; song song thành lập các tổ môi trường khu phố, để họ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, đưa quy định về phân loại rác thải trước khi đổ rác. Một khi có quy tắc, cơ chế hỗ trợ rõ ràng, mỗi người dân sẵn sàng trở thành một “chiến sĩ” xung kích bảo vệ môi trường”.
Bài, ảnh: KIỀU OANH