Kênh Vĩnh Tế - Công trình kỳ vĩ trên biên giới Tây Nam

Kênh Vĩnh Tế - Công trình kỳ vĩ trên biên giới Tây Nam
8 tháng trướcBài gốc
Một góc vùng biên viễn Châu Đốc - nơi đầu nguồn kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Yến Ngọc
Dòng chảy 200 năm
Theo các tài liệu lịch sử về sự kiện đào kênh Vĩnh Tế, người có công lao nổi bật trong công trình này là quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu. Ngược dòng lịch sử, việc đào kênh Vĩnh Tế được khởi công vào tháng Chạp năm 1819, từ bờ Tây sông Châu Đốc (thuộc địa phận phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc ngày nay), chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia nối tiếp với sông Giang Thành (thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Tổng cộng thời gian đào kênh kéo dài 5 năm, từ 1819 đến 1824, được chia làm 3 giai đoạn, với khoảng 80.000 người tham gia. Việc đào kênh rất vất vả, điều kiện lao động hết sức khó khăn, với thời tiết khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc, thú dữ, rắn rết, sinh hoạt thiếu thốn... khiến cho số người đau ốm, tai nạn hoặc bị chết khá nhiều. Việc đào kênh không xuyên suốt 5 năm liên tục mà có những giai đoạn gián đoạn, tạm nghỉ do vào mùa khô khí hậu khắc nghiệt, đất đá chai cứng, khô cằn... Dụng cụ đào kênh là những nông cụ sản xuất hàng ngày của nông dân, như: Cuốc, dao, sọt, ky... Để phục vụ kịp thời cho đào kênh, nhiều lò rèn, các tổ đan lát, làm dụng cụ thô sơ đã được hình thành ngay tại công trường dọc kênh Vĩnh Tế. Hoàn thành vào năm 1824, kênh Vĩnh Tế dài trên 80km, rộng 30m và có độ sâu trung bình là 2,55m.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, tuy gặp rất nhiều vất vả, gian khổ, nhưng bằng trí tuệ, tinh thần lao động bền bỉ, kiên gan và đầy sáng tạo, ông cha ta đã tạo ra một công trình kỳ vĩ trên vùng Tây Nam biên viễn vào đầu thế kỷ XIX. Kênh Vĩnh Tế hoàn thành đã đánh dấu một thời kỳ phát triển mới cho công cuộc khai phá đất đai, lập nên đồn điền, làng xóm trên vùng biên giới. Đồng thời, kênh Vĩnh Tế hiện diện như chiến hào khổng lồ bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới Tây Nam.
Việc hoàn thành kênh Vĩnh Tế được dân chúng xem là một thành quả to lớn, có ảnh hưởng nhiều mặt đối với cư dân trong vùng. Dân mừng vì có đường giao thông thuận lợi từ Châu Đốc đi Hà Tiên. Cả cuộc đời gắn bó với dòng nước phù sa của con kênh Vĩnh Tế, ông Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1951, Trưởng ban Quý tế đình Vĩnh Nguơn, xã Vĩnh Nguơn) thuộc nằm lòng về huyền thoại đào kênh Vĩnh Tế. Cũng như những người dân ở đây, ông Quang tự hào: "Qua hàng trăm năm, dòng nước thiêng của kênh Vĩnh Tế như ngấm vào máu thịt và là niềm tự hào của người dân An Giang quê tôi. Dòng Vĩnh Tế mãi là món quà vô giá mà ông cha đã để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau”...
Lợi ích lớn nhất của kênh Châu Đốc - Hà Tiên không chỉ ở việc lưu thông bằng ghe thuyền đi lại, trao đổi buôn bán hay đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ cương thổ quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn nước ngọt từ sông Cửu Long vào các khu đồng ruộng, xả phèn, rửa mặn, giúp cho mùa màng tươi tốt. Song song việc đào kênh Vĩnh Tế, ông Nguyễn Văn Thoại cho lập ven bờ kênh 5 làng: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Trong 5 làng đó hiện nay có 3 đồn Biên phòng: Vĩnh Nguơn, Vĩnh Điều và Vĩnh Gia đang trú đóng.
Ông Nguyễn Minh Quang (bên trái) kể chuyện về dòng kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Yến Ngọc
“Hàng rào nước" trấn thủ biên cương
Sự ra đời của kênh Vĩnh Tế khẳng định chủ trương phát triển giao thông trên vùng biên giới của triều Nguyễn, là bước đi đúng đắn nhằm giải quyết 2 nhiệm vụ bức thiết là phát triển vùng đất mới và thiết lập thế trận phòng thủ biên cương, khẳng định chủ quyền đất nước. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Từ đấy đường sông thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng”. Với chính sách quốc phòng dựa vào tiềm lực nội tại, cha ông ta đã thiết lập thế trận phòng thủ biên giới trên cơ sở phát huy sự quan yếu của các tuyến đường thủy trọng yếu. Trong đó, kênh Vĩnh Tế được xem như “mũi kim” khai thông “nguyệt đạo” làm cho mạch máu giao thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên được vận hành trơn tru để kết nối vùng biên giới Tây Nam thành một dải.
Do tầm quan trọng của tuyến biên giới trên bộ với Campuchia, triều Nguyễn đã triệt để tận dụng các tuyến sông làm hàng rào biên giới. Trong thế trận phòng thủ ấy, kênh Vĩnh Tế là mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong chiến lược tận dụng “hàng rào nước” dọc tuyến biên giới để thiết lập hệ thống phòng thủ và khẳng định chủ quyền quốc gia. “Hàng rào nước” bắt đầu từ phía Tây của đầu nguồn sông Hậu (nơi đóng quân của Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình ngày nay) chạy dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, kéo dài liên tục đến tận cửa biển Hà Tiên. Tuyến thủy lộ này có độ dài khoảng 140km với 4 đoạn đường nước, gồm: Sông Bình Ghi, sông Phú Hội, sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế. Trong đó, kênh Vĩnh Tế được xem là thủy lộ quan trọng nhất để kết nối 2 trung tâm quốc phòng, kéo dài từ Châu Đốc đến cửa biển Hà Tiên và đóng vai trò như một phòng tuyến quân sự có khả năng phòng ngự linh hoạt trong hoàn cảnh xảy ra chiến tranh.
Tận dụng sự cơ động của sông nước biên giới, triều Nguyễn đã từng bước xây dựng hàng loạt các cơ sở quân sự, quốc phòng từ đầu nguồn sông Hậu cho đến Hà Tiên để giữ nước. Sự thiết lập số lượng lớn các cơ sở quân sự, quốc phòng dọc tuyến kênh Vĩnh Tế cho thấy quyết tâm phòng thủ đất nước dựa vào tuyến kênh này của triều Nguyễn. Kênh Vĩnh Tế là hệ thống phòng thủ đường thủy ở phía trước, linh hoạt trong tác chiến được hỗ trợ từ hệ thống phòng thủ bộ binh của Thất Sơn ở phía sau. Đồng thời, nó cũng kết hợp với 2 hệ thống phòng thủ trên sông Hậu và sông Tiền để tạo ra thế tấn công liên tục. Để ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu, Vua Minh Mạng đã lấy tên vợ ông Thoại Ngọc Hầu (bà Châu Thị Tế) đặt tên cho con kênh - kênh Vĩnh Tế. Đến năm 1835, kênh Vĩnh Tế vinh dự được chạm trên cửu đỉnh, một trong 9 đỉnh bằng đồng đặt tại Hoàng thành Huế.
Suốt 200 năm qua, kênh Vĩnh Tế vẫn miệt mài chở phù sa, nuôi dưỡng biết bao đời cư dân vùng biên viễn và khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia, dân tộc Việt Nam. Dòng Vĩnh Tế mãi là món quà vô giá mà ông cha đã để lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ, phát huy vai trò to lớn của nó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên vùng biên viễn Tây Nam.
Đăng Bảy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/kenh-vinh-te-cong-trinh-ky-vi-tren-bien-gioi-tay-nam-post483552.html